Đó là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Bruno Jaspaert khi nói về quy định cấp giấy phép cho lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.
Ngày 27/5, đại diện EuroCham cho biết, EuroCham vừa gửi thư kiến nghị tới Bộ Nội vụ, đề xuất các nội dung then chốt liên quan đến dự thảo thay thế Nghị định 152 – quy định hiện hành về việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam.
Trọng tâm trong kiến nghị của EuroCham là yêu cầu bắt buộc về bằng cấp học thuật chính quy khi xin giấy phép lao động diện chuyên gia – ngay cả trong những lĩnh vực mới xuất hiện và chưa có chuyên ngành đào tạo tương ứng trước đây.
Các doanh nghiệp – đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số – kêu gọi sự linh hoạt hơn trong việc công nhận kinh nghiệm làm việc thay thế cho bằng cấp học thuật.
Chia sẻ tại lễ ra mắt Sách trắng gần đây, Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert cho biết: "Phải mất hơn 6 tháng để có thể đưa một chuyên gia trong lĩnh vực logistics với 25 năm kinh nghiệm vào Việt Nam – chỉ vì ông ấy có bằng cấp trong chuyên ngành sinh học. Đó không chỉ là gánh nặng chi phí mà còn làm chậm quá trình đổi mới và cản trở hoạt động kinh doanh".
Theo Hiệp hội này, trong vài thập kỷ qua, nhiều ngành công nghiệp đã phát triển nhanh hơn khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục chính quy và Việt Nam có nguy cơ bỏ lỡ nguồn nhân lực chất lượng cao do các tiêu chí hành chính lạc hậu.
Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh cũng nhấn mạnh trong phiên hỏi đáp với Bộ Nội vụ: "Ngày càng phổ biến việc chuyên gia học một ngành nhưng phát triển sự nghiệp ở ngành khác. Trong thế giới liên ngành như hiện nay, kinh nghiệm thực tiễn cần được đánh giá ngang hàng với giáo dục chính quy".
Theo Cục Việc làm (Bộ Nội vụ), dự thảo nghị định mới sẽ tuân theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính, trong đó có những đề xuất có thể đơn giản hóa tới 40% quy trình hiện tại.
Đáng chú ý, các cơ quan chức năng cũng thừa nhận mối quan ngại liên quan đến yêu cầu bằng cấp và cho biết đang xem xét việc cho phép thay thế bằng cấp học thuật bằng kinh nghiệm làm việc phù hợp – đặc biệt trong các ngành nghề thúc đẩy đổi mới sáng tạo.