Việt Nam đã thực hiện được khoảng 7.500 ca ghép tạng

M.Thủy 17/05/2023 06:19

Ngày 16/5, tại Hà Nội diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Y học kỹ thuật cao: Ghép phổi và Y học tái tạo tại Hoa Kỳ và Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo do Bệnh viện Phổi trung ương phối hợp với nhiều cơ sở y tế cùng sự tham dự của chuyên gia về ghép phổi và ECMO đến từ Đại học California và San Francisco (Mỹ).

Đây là hoạt động trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực ghép phổi, y học tái tạo trong điều trị bệnh phổi giai đoạn cuối tại Việt Nam và quốc tế.

TS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, thời gian qua Bệnh viện đã thực hiện thường quy được hầu hết các kỹ thuật cao về nội hô hấp và phẫu thuật lồng ngực; hoàn thành xuất sắc đề án ghép phổi, là một bước chinh phục đỉnh cao về chuyên môn, mở ra cơ hội sống thêm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người bệnh giai đoạn muộn không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

Năm 2020, Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép phổi cho người bệnh bị xơ phổi giai đoạn cuối. Ca phẫu thuật được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế từ Trung tâm ghép phổi UCSF - 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ.

Toàn bộ quy trình chuẩn bị từ người chết não cho tạng và người chờ ghép phổi đều được đánh giá, chẩn đoán, điều trị chặt chẽ theo tiêu chuẩn của Trung tâm ghép tim phổi Trường Đại học UCSF. Sau gần 3 năm được thực hiện ghép phổi, người bệnh phục hồi tốt và hoàn toàn khỏe mạnh, chức năng hô hấp ổn định. Đây là ca phẫu thuật được các chuyên gia đánh giá là thành công nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh Việt Nam đã triển khai nhiều ca ghép phổi từ người cho bị chết não nhưng tỷ lệ thành công không cao, thời gian sống của người được cho sau ghép phổi không dài.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Bộ Y tế ủng hộ định hướng phát triển hai mũi nhọn công nghệ cao về ghép phổi và y học tái tạo mà Bệnh viện Phổi Trung ương đề xuất. Việc triển khai các kỹ thuật cao này đòi hỏi cần có sự tham gia tích cực từ các cơ quan quản lý, đơn vị chuyên môn, học thuật, đối tác trong và ngoài nước, đặc biệt cần sự vào cuộc mạnh mẽ của bảo hiểm y tế để đảm bảo tính khả thi, bền vững.

Tính đến cuối tháng 3/2023, Việt Nam đã thực hiện được khoảng 7.500 ca ghép tạng, nhưng mới chỉ có 10 ca ghép phổi; trong đó 9 ca từ người cho chết não, 1 ca hiến phổi từ người cho sống. Mỗi năm, Bệnh viện Phổi trung ương thường có từ 20-40 người chờ ghép phổi. Bên cạnh khó khăn về nguồn tạng hiến còn là khó khăn về tài chính cho một ca ghép phổi. Theo TS Đinh Văn Lượng, chi phí một ca ghép phổi lên đến cả tỷ đồng sẽ là một gánh nặng rất lớn với người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam đã thực hiện được khoảng 7.500 ca ghép tạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO