Nhiều khảo sát đánh giá cho biết, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu trong thời gian tới. Các lĩnh vực mới nổi mà nhà đầu tư có xu hướng tập trung bao gồm giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính.
Thu hút các nhà đầu tư quốc tế
Việt Nam được đánh giá sẽ là một trong những thị trường trọng tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực Đông Nam Á trong ít nhất 2-3 năm tới do có lợi thế về môi trường chính trị ổn định và tốc độ kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
Giới chuyên gia nhìn nhận, trong những năm tiếp theo, tổng nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo sẽ tiếp tục thiết lập những kỷ lục mới. Trong khi đó thống kê giai đoạn 2020 - 2022, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam là gần 2 tỷ USD. Đà tăng trưởng này dự đoán sẽ tiếp diễn vào năm 2023.
Ông Vinnie Lauria - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Golden Gate Ventures khẳng định, những yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư bao gồm sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng đổi mới sáng tạo… Việt Nam là “đất lành” cho dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, khi các doanh nghiệp (DN) quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Một số tổ chức quốc tế đánh giá, bên cạnh sức hấp dẫn của thị trường, sự hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với hệ sinh thái khởi nghiệp góp phần tạo nên sức hút này.
Nhiều DN đến từ Hàn Quốc đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh, có dân số trẻ nên được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với DN tại xứ sở kim chi.
Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các DN châu Âu cũng như triển vọng phát triển trong trung và ngắn hạn. 42% người tham gia khảo sát dự đoán công ty của họ sẽ tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam tại nhiều lĩnh vực hơn, đặc biệt là khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Eurocham cho biết: “Ngân sách của Ủy ban châu Âu dành cho đầu tư công nghệ mới của các DN vừa và nhỏ khá lớn, lên đến vài tỷ Euro. Khi các DN châu Âu nhận được ngân sách như vậy và sau khi hoàn thành được nghiên cứu và tạo ra công nghệ của mình, chắc chắn họ sẽ có xu hướng áp dụng ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam”.
Tiềm năng khởi nghiệp
Trong năm 2022 vừa qua số vốn rót vào các DN khởi nghiệp Việt Nam đã lên tới hàng trăm triệu USD. Tiêu biểu như thương vụ rót 150 triệu USD vào Sky Mavis, công ty đứng sau trò chơi Axie Infinity. Hay Quadria Capital (quỹ đầu tư quản lý danh mục tài sản 2,5 tỷ USD) rót 90 triệu USD vào Công ty cổ phần Con Cưng. Ngân hàng số Timo gọi vốn thành công từ tập đoàn đầu tư mạo hiểm của Australia và nhóm nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 20 triệu USD.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ngày càng thu hút các nhà đầu tư quốc tế. "Đầu tư từ các quỹ đã hỗ trợ toàn diện cho các hoạt động khởi nghiệp về nguồn hỗ trợ tài chính, kiến thức, năng lực vận hành, phát triển, thương mại hóa sản phẩm, góp phần tạo ra những giá trị vượt trội cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ngày càng sôi động, hấp dẫn và chất lượng hơn”.
Giới chuyên gia đánh giá, năm 2022, hoạt động khởi nghiệp ở các địa phương hết sức sôi động. Tại các trường đại học, cao đẳng đều chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở. Nhờ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, các chuyên gia cho rằng, hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo sẽ gặp nhiều thách thức khi chứng kiến sự sụt giảm về dòng vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu và ở khu vực Đông Nam Á, cùng với những thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… Do vậy một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo là cần sớm hoàn thiện hơn nữa vấn đề pháp lý.
Hiện nay hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang dần hoàn thiện về môi trường pháp lý. Trong đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chú trọng vào việc hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, từ đó các chính sách hỗ trợ sẽ được phát triển rộng rãi. Bên cạnh đó, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP cũng đã được ban hành nhằm khơi thông nguồn vốn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hiện nay đã có 39 quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam và cam kết sẽ rót thêm 1,5 tỷ USD cho thị trường khởi nghiệp Việt Nam từ nay đến hết năm 2025. Một lượng vốn lên đến hàng chục triệu USD từ các quỹ ngoại đang chờ đợi đầu tư vào các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực blockchain (công nghệ chuỗi khối) tại Việt Nam.