Nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italy của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, chiều 27/7, Việt Nam và Italy đã ra Tuyên bố chung về Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italy.
Thông cáo chung nêu rõ: Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Italy Sergio Mattarella, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng đã thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Italy, từ ngày 26 - 27/7. Đây là chuyến thăm cấp Nguyên thủ đầu tiên giữa hai nước trong 7 năm qua, có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy tin cậy chính trị và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italy. Chuyến thăm còn đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Tại cuộc hội đàm, trong không khí hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hai nước trong 50 năm qua, và nhất trí tiếp tục tăng cường hơn nữa các cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước trong các khuôn khổ song phương cũng như đa phương, nhằm nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác chuyên ngành giữa hai nước. Hai bên đã trao đổi sâu rộng về phương hướng phát triển quan hệ trong tương lai cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những thành tựu tích cực và sâu rộng trong quan hệ Việt Nam - Italy, đặc biệt là từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013, qua đó đẩy mạnh hợp tác chung và trao đổi đoàn các cấp, bao gồm các chuyến thăm cấp cao. Hai bên đã triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương. Về kinh tế, hai nước đã trở thành đối tác quan trọng của nhau, trong đó Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của hợp tác song phương, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và cộng đồng quốc tế đang phải đương đầu với nhiều vấn đề toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italy thông qua duy trì hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ vì thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm của hai nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định những hợp tác hiện có trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu được ký năm 2018, trong đó Việt Nam và Italy đang xây dựng dự án “Thiết lập và triển khai Hệ thống thông tin địa lý về tính dễ tổn thương do biến đổi khí hậu, đánh giá rủi ro và giám sát môi trường cho Việt Nam dựa trên Công nghệ viễn thám”. Là thành viên của G7, Italy tái khẳng định cam kết sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) thông qua chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, phát triển thể chế và đào tạo nhân lực cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi.
Hai nhà Lãnh đạo cam kết tăng cường chia sẻ quan điểm, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ ASEAN - EU. Hai nhà lãnh đạo ủng hộ xây dựng một cộng đồng ASEAN phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng, đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực cũng như trong việc tăng cường quan hệ Đối tác Phát triển ASEAN – Italy và quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – EU. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục phối hợp để duy trì đối thoại và hợp tác Á-Âu, bao gồm thông qua Quỹ Á-Âu (ASEF).
Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thực thi một cách thiện chí và có trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh thêm giá trị phổ quát và toàn vẹn của UNCLOS và tái khẳng định UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh tất cả các hoạt động tại các vùng biển và đại dương.
Trước đó, chiều 26/7, tại Rome, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp Chủ tịch Hạ viện Italy Lorenzo Fontana và Thị trưởng thành phố Rome Roberto Gualtieri. Đánh giá cao sự gắn bó, quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam và Italy có bề dày lịch sử 50 năm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Việt Nam coi trọng Italy là một đối tác quan trọng ở châu Âu và quyết tâm cùng lãnh đạo cấp cao Italy thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italy sang một giai đoạn phát triển mới, trong đó có Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Italy. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã nhắc lại sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, coi đây là minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời Chủ tịch Hạ viện Lorenzo Fontana thăm Việt Nam. Chủ tịch Hạ viện Italy đã vui vẻ nhận lời mời.
Cũng trong chiều 26/7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc gặp Thị trưởng thành phố Roma Roberto Gualtieri. Tại cuộc gặp, Thị trưởng Roberto Gualtieri nhiệt liệt chào đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Roma; đánh giá cao những phát triển tích cực trong quan hệ giữa hai nước nói chung và giữa thành phố Roma và thành phố Hà Nội nói riêng. Thị trưởng Roma cho biết, Roma và Hà Nội đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác, trong đó có lĩnh vực bảo tồn di sản. Thị trưởng Gualtieri khẳng định mong muốn cùng phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm quan hệ hai nước, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hà Nội và các địa phương Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh như kinh tế - thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, bảo tồn di sản văn hóa, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã mời Thị trưởng Roma sớm thăm Việt Nam.
Trước đó, chiều 25/7 (giờ Áo), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Áo với gần 20 hoạt động từ ngày 23 đến 25-7.