Ngày 31/10, tại Ủy ban về các vấn đề văn hóa, xã hội và nhân đạo thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã có bài phát biểu quốc gia tại đề mục "Thúc đẩy và bảo đảm quyền con người".
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh thúc đẩy và bảo đảm quyền con người là một trong những mục tiêu cốt lõi của Liên hợp quốc như được khẳng định trong Hiến chương.
Các nỗ lực trong lĩnh vực này được định hướng bởi một khuôn khổ luật pháp quốc tế vững chắc, trong đó có Công ước Quyền kinh tế, văn hóa và xã hội (CESCR) và Công ước Quyền dân sự và chính trị (CCPR), Tuyên bố Quyền phát triển.
Đại sứ khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam là các quyền con người, bao gồm kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, dân sự và cả quyền phát triển, là phổ quát, gắn liền không thể tách rời và cần được quan tâm, ưu tiên như nhau; việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người cần trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia, hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa và phát triển của mỗi nước, tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, đối thoại và hợp tác.
Trong 3 năm là thành viên Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Việt Nam đã luôn đề cao các nguyên tắc khách quan, công khai, xây dựng và đối xử bình đẳng.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để bảo đảm hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Việt Nam luôn đặt người dân ở trung tâm của phát triển và tiếp tục tăng cường hệ thống luật pháp, chính sách và thể chế thông qua lồng ghép CESCR, CCPR và các công ước nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.
Như mọi quốc gia khác, Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu, thiên tai như hạn hán, ngập mặn, lũ lụt, đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, hạn chế các quyền lương thực, sức khỏe, giáo dục và nhà ở của người dân Việt Nam.
Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước, các đối tác trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên phạm vi toàn cầu.