Cùng với các dự án đầu tư về nước, trong 5 năm gần đây (từ 2015 - 2019), với mức tăng trưởng trung bình 6%/năm, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD, chiếm khoảng 44% tổng kiều hối đạt được trong vòng 20 năm qua.
Theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đến nay, cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Trong đó, Việt kiều Hoa Kỳ đầu tư 18 dự án, với 105,8 triệu USD, tiếp theo là Pháp, Australia, Trung Quốc, Đức. Phần lớn các dự án của Việt kiều đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú, xây dựng…
Hiện đã có 42/63 địa phương thu hút được nguồn vốn này, trong đó Hà Nội thu hút 79 dự án với vốn đăng ký 476,8 triệu USD (chiếm 21,8% số dự án và 29,7% vốn đăng ký), tiếp theo là Long An, Bình Thuận, Hải Phòng, Đồng Nai...
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút kiều bào đầu tư về nước.
Cụ thể, theo Luật Đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư tại Việt Nam thông qua hình thức FDI (thành lập tổ chức kinh tế); đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
“Không có bất cứ sự phân biệt nào giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư là Việt kiều, nên không phải thực hiện các điều kiện, thủ tục như đối với nhà đầu tư nước ngoài bình thường khác” - ông Đông cho biết.
Cùng với các dự án đầu tư về nước, trong 5 năm gần đây (từ 2015 - 2019), với mức tăng trưởng trung bình 6%/năm, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD, chiếm khoảng 44% tổng kiều hối đạt được trong vòng 20 năm qua.
Riêng năm 2020, Ngân hàng Thế giới dự báo kiều hối về Việt Nam đạt 15,686 tỷ USD, tương đương 5,8% GDP. Trước đó, cũng theo dữ liệu công bố của WB, kiều hối về Việt Nam liên tục tăng cao qua các năm, đặc biệt từ năm 2016 vượt xa mốc trên 10 tỷ USD và đến 2019 đã đạt 17 tỷ USD, chiếm 6,5% GDP.
Mặc dù dự báo giảm nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới năm 2020 (đứng thứ 9). Tính riêng khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 3 về giá trị kiều hối, sau Trung Quốc (59,5 tỷ USD) và Philippines (33,3 tỷ USD), và thứ 9 theo tỷ trọng GDP.