Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, Việt Nam đã đưa ra rất nhiều sáng kiến được LHQ và bạn bè quốc tế công nhận và đánh giá cao, góp phần tạo nên vị thế, uy tín trong khu vực và trên thế giới.
Với những đóng góp thực tiễn ở các phái bộ cũng như trong các hoạt động cụ thể của Liên hợp quốc, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã và đang góp phần nâng cao tiếng nói của Việt Nam trong thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, trong đó có duy trì một nền hòa bình bền vững trên thế giới.
Đây là khẳng định của Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN nhân dịp Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng nhấn mạnh: "Có thể nói, ít đất nước trên thế giới hiểu được giá trị của một nền hòa bình như Việt Nam bởi nước ta đã kinh qua nhiều cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Việc cử các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại các phái bộ ở Châu Phi cũng là một đóng góp của quân đội và đất nước ta vào việc duy trì hòa bình bền vững trên thế giới.
Trong thời đại hiện nay, việc bảo vệ cho nhân loại sống trong môi trường hòa bình và ít chịu hậu quả của các thách thức phi truyền thống là nhu cầu của mỗi quốc gia mà Việt Nam đang thực hiện rất tốt. Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, Việt Nam đã đưa ra rất nhiều sáng kiến được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế công nhận và đánh giá cao, góp phần tạo nên vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới".
Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, dù mới tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình nhưng Việt Nam đã để lại dấu ấn rất lớn trong lòng bạn bè quốc tế, đối với Liên hợp quốc, các phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Đến nay, Việt Nam đã ký được 9 văn bản hợp tác về gìn giữ hòa bình với 9 quốc gia đối tác và hai văn bản hợp tác về gìn giữ hòa bình với Liên hợp quốc và EU. Đây là những hợp tác thể hiện trong lĩnh vực đa phương, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương với các nước. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 53 sỹ quan và 126 bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đề cập đến các bệnh viên dã chiến của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc, trong đó Bệnh viện dã chiến Cấp 2 số 2 vừa trở về nước an toàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Nam Sudan, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho biết kết quả thực hiện nhiệm vụ của bệnh viện dã chiến số 1 và số 2 được Chỉ huy Phái bộ và Liên hợp quốc đánh giá cao.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình và cố vấn quân sự của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại New York đã gửi thư cảm ơn chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế này.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho biết, khi nhận được đề nghị của Liên hợp quốc về việc kéo dài thêm thời hạn 6 tháng đối với bệnh viện dã chiến số 2 tại Nam Sudan, tất cả sỹ quan và quân nhân chuyên nghiệp công tác tại bệnh viện đều sẵn sàng ở lại và tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng chia sẻ: "Trong bối cảnh dịch Covid-19, các sỹ quan của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã áp dụng rất nghiêm túc quy định phòng chống dịch để triển khai tại các địa bàn. Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ của Liên hợp quốc, các sỹ quan lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam còn hỗ trợ nhân dân nước sở tại bằng nhiều hoạt động nhân đạo như nuôi dạy trẻ em, hướng dẫn người dân địa phương cách trồng rau xanh đảm bảo hậu cần tại chỗ... tạo nên vẻ đẹp của hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong trang phục lực lượng mũ nồi xanh của Liên hợp quốc".
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới khiến các tuyến đường bay quốc tế đều bị tê liệt, khó khăn lớn nhất là việc đảm bảo cung cấp vật tư y tế, trang thiết bị cho bệnh viện hoạt động. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã phối hợp với các chiến sỹ về nước nghỉ phép mang thuốc men, vật tư y tế khi quay lại địa bàn để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo Thiếu tướng Phụng, đây có lẽ là một sáng kiến chưa có bệnh viện nào của Liên hợp quốc thực hiện trong một giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Thiếu tướng cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cũng như công cuộc mở cửa của đất nước, việc quân đội tham gia hội nhập sâu rộng vào các lĩnh vực đối ngoại quốc phòng không chỉ thể hiện trách nhiệm của quân đội mà đây còn là một hình thức bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong thời kỳ hòa bình.
Hoạt động gìn giữ hòa bình là một trong những vấn đề ưu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trên các cương vị khác nhau trong năm 2021. Tháng 4/2021, Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đề xuất 15 cuộc họp công khai, 10 cuộc họp kín thảo luận các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.
Ngày 19/4, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên thảo luận mở cấp cao về chủ đề "Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột".
Trước đó, ngày 8/4, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an về chủ đề "Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững"...