Trong tổng thể quan hệ đối ngoại của Việt Nam, quan hệ với Trung Quốc có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quan tâm. Đây là quan hệ với một nước láng giềng lớn, cường quốc thứ hai về kinh tế có vai trò và vị trí ngày càng quan trọng trên thế giới, một trong những đối tác kinh tế thương mại hàng đầu của Việt Nam, đồng thời cũng là nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, thể chế chính trị với Việt Nam.
Cả hai bên đều có chung mục tiêu không ngừng tăng cường và củng cố quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, làm sâu sắc hơn hợp tác cùng có lợi. Hai bên cũng nhìn nhận rõ những vấn đề do lịch sử để lại, những vấn đề bất đồng, nhất trí cần kiểm soát tốt bất đồng và đều có nhu cầu duy trì một môi trường bên ngoài hòa bình, ổn định để tập trung phát triển trong nước.
Nỗ lực tăng cường quan hệ trên mọi lĩnh vực
Nếu năm 2017 quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có những dấu ấn đậm nét với việc Tổng Bí thư hai Đảng, Chủ tịch nước hai nước lần đầu tiên có chuyến thăm lẫn nhau trong cùng một năm thì có thể nói năm 2018 là năm mà quan hệ hai Đảng, hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, tin cậy chính trị được tăng cường và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực ngày càng thực chất và hiệu quả.
Về quan hệ chính trị, các chuyến thăm và tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp tục diễn ra thường xuyên và phát huy vai trò định hướng quan trọng để quan hệ song phương phát triển ổn định, lành mạnh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp quan trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp dự Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thượng Hải (4/11), hai lần gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp Hội nghị Cấp cao hợp tác Mê Công - Lan Thương tại Campuchia (10/1) và Hội nghị Cấp cao ASEM 12 tại Bỉ (18/10).
Trong năm 2018, hai nước cũng có nhiều trao đổi đoàn các cấp. Nhiều Lãnh đạo Bộ, ngành địa phương của Việt Nam sang thăm, làm việc tại Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Lạc Tế đã thăm chính thức Việt Nam. Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa thăm và tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Việt Nam. Nhiều lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương Trung Quốc cũng sang thăm Việt Nam thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai bên.
Hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hai lần sang thăm Việt Nam và có nhiều cuộc tiếp xúc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại các diễn đàn đa phương tại các nước khác; Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Công An Tô Lâm đã thăm Trung Quốc và có nhiều cuộc trao đổi thực chất với các đối tác Trung Quốc.
Tại các cuộc hội đàm, tiếp xúc, hai bên đều bày tỏ coi trọng quan hệ song phương, nhất trí duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường trao đổi chiến lược, củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy các cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước; duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông, quản lý thỏa đáng các bất đồng, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung tiếp tục phát triển.
Về kinh tế - thương mại, trong năm 2018, hợp tác kinh tế thương mại là điểm sáng nổi bật rất đáng ghi nhận. Trong 10 tháng đầu năm 2018, theo số liệu thống kê của hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai nước đạt 106,7 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2017 (theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc, kim ngạch hai chiều Việt – Trung đạt 147,8 tỷ USD tăng 21,2% so với năm 2017).
Trung Quốc tiếp tục 14 năm liền giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam liên tục 3 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 7, thứ 8 của Trung Quốc trên toàn thế giới. Về đầu tư, năm 2018, Trung Quốc luôn đứng thứ 7 trong tổng số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Hiện Trung Quốc có 2.149 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 13,3 tỷ USD.
Quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước đang phát triển theo hướng ổn định, bền vững và lành mạnh thể hiện ở 3 đặc thù:
Tốc độ tăng trưởng của kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao với mức tăng trưởng trung bình khoảng 20%, năm 2018, tốc độ tăng trưởng về kim ngạch thương mại hai chiều đạt 21,2%; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 63,9 tỷ USD, tăng 27%, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 83,8 tỷ USD, tăng 17,2%;
Vấn đề nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tiếp tục được cải thiện tích cực nhằm lành mạnh hóa quan hệ thương mại giữa hai nước;
Nhiều sản phẩm đặc sắc và thương hiệu lớn của Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc, được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng
Kết quả này vừa thể hiện thực chất quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai bên, vừa là nỗ lực quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng là sự thúc đẩy, quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thượng Hải tháng 11/2018 vừa qua, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều nhà lãnh đạo các nước những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, gặp gỡ nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc giới thiệu môi trường đầu tư ngày càng hoàn thiện của Việt Nam.
Về giao lưu nhân dân, giao lưu nhân dân giữa hai nước được tăng cường và mở rộng. Trong năm 2018, đã có 12,8 triệu lượt người dân hai nước qua lại, trong đó, công dân Trung Quốc đi Việt Nam là 6,47 triệu lượt (Việt Nam là điểm đến thứ 3 trên thế giới của công dân Trung Quốc, sau Thái Lan, Nhật Bản); công dân Việt Nam nhập cảnh Trung Quốc là 6,32 triệu lượt (đứng thứ 2 trong số công dân nước ngoài, đứng đầu trong số công dân các nước ASEAN đến Trung Quốc). Người dân Trung Quốc sau khi đi Việt Nam đều có cảm tình với nước ta, nhất là về con người hiếu khách, thiên nhiên tươi đẹp và ẩm thực đặc sắc. Có thể nói du khách Trung Quốc chính là những người quảng bá tốt nhất cho sản phẩm và ẩm thực của Việt Nam. Nhiều người trong số họ khi về nước đã mở nhà hàng ẩm thực Việt Nam.
Về vấn đề biên giới lãnh thổ, có thể thấy biên giới trên bộ tiếp tục được quản lý tốt, trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển giữa hai nước. Hai bên đã triển khai nhiều biện pháp xây dựng lòng tin, trong đó có hoạt động giao lưu biên giới giữa hai Bộ Quốc phòng, giao lưu cảnh sát biển, triển khai các cuộc diễn tập chung, tìm kiếm cứu nạn giữa Việt Nam với Trung Quốc, kênh song phương và trong khuôn khổ ASEAN.
Về vấn đề trên biển, tuy vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp và tiểm ẩn nguy cơ mất ổn định nhưng hai bên vẫn duy trì các kênh trao đổi và đàm phán thẳng thắn ở tất cả các cấp khác nhau. Tuy vẫn còn khác biệt nhưng điều quan trọng nhất là hai bên đều nhất trí cần kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông, tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN tiến hành 4 phiên đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, trong đó Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực, vừa giữ được nguyên tắc, vừa mang tính xây dựng nhằm góp phần xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
2019 - Những định hướng lớn
Năm 2019 là năm quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc. Đối với nước ta, năm 2019 là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mong muốn của Người xây dựng đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, là năm thứ tư chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đối với Trung Quốc, là năm kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, năm đầu tiên sau kỷ niệm 40 năm cải cách với những mục tiêu lớn đến giữa thế kỷ 21, tiếp tục đi sâu cải cách, mở cửa toàn diện hơn nữa. Việc không ngừng tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước trong năm 2019, thúc đẩy hợp tác thực chất hiệu quả toàn diện vừa phù hợp với xu thế của thời đại trong bối cảnh toàn cầu hóa đang có nhiều cơ hội và thách thức đan xen, vừa xuất phát từ lợi ích của mỗi nước và là nhu cầu chung của hai nước.
Dịp đầu năm mới 2019, trên cơ sở thông lệ thiết lập trong vài năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi thư chúc mừng năm mới đến nhân dân hai nước, nhất trí cùng nhau không ngừng nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương tiếp tục phát triển và không ngừng đi vào chiều sâu. Ngay từ đầu năm, với sự chỉ đạo của các cơ quan trong nước, Đại sứ quán đã chủ động liên hệ, trao đổi với các bộ, ngành, địa phương Trung Quốc chuẩn bị cho những hoạt động đối ngoại lớn của hai nước trong năm nay, nhất là chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước trong năm 2019, tăng cường tin cậy chính trị; triển khai hiệu quả các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai bên, tăng cường giao lưu, tiếp xúc trên các kênh Quốc hội/Nhân đại, Mặt trận Tổ quốc/Chính hiệp, các bộ, ngành có liên quan.
Vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam đã có cuộc gặp hàng năm với báo chí Trung Quốc và hoạt động kỷ niệm 69 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước được tổ chức tốt, khởi động cho một loạt các hoạt động giữa hai nước trong năm 2019.
Bên cạnh việc tăng cường quan hệ về chính trị, một trong những trọng tâm quan hệ hai nước thời gian tới là cần đẩy mạnh hợp tác thực chất, hiệu quả, cùng có lợi, triển khai tốt những thỏa thuận và nhận thức chung đạt được trong các chuyến thăm cấp cao, nhất là trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1/2017) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (11/2017) cũng như những kết quả cụ thể đạt được nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thương Hải.
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai bên cần nỗ lực duy trì xu thế phát triển tích cực trong hợp tác kinh tế - thương mại, mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực hợp tác. Chúng ta cần tập trung nâng tầm chất lượng hợp tác thương mại giữa hai nước, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Trung Quốc và hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm bắt tốt những cơ hội từ quá trình Trung Quốc chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng gia tăng chất lượng, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, mở ra các kênh hợp tác, phân phối mới thông qua Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc, thúc đẩy thương mại chính ngạch, tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam vào tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.
Trước mắt, các doanh nghiệp có thể phấn đấu để có thêm mặt hàng sữa, một số loại hoa quả, nông sản, xuất sang Trung Quốc qua đường chính ngạch. Hai bên cũng đang thúc hợp tác sâu rộng hơn nữa trên nhiều lĩnh vực khác như đầu tư, logistic, hạ tầng, tài chính, xác định các lĩnh vực ưu tiên, phương hướng trọng điểm và dự án hợp tác cụ thể, phù hợp với lợi ích, khả năng và điều kiện của mỗi nước. Thông qua các khuôn khổ hợp tác, hai bên có thể phối hợp, áp dụng các biện pháp hữu hiệu nhằm cân bằng thương mại, mở rộng đầu tư, thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước và với cả nước thứ ba.
Việc tăng cường giao lưu nhân dân là một ưu tiên hết sức quan trọng trong việc củng cố cơ sở lòng dân đối với quan hệ hai Đảng, hai nước. Hai bên cần quan tâm tổ chức thiết thực, hiệu quả các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là giữa thanh niên, thế hệ trẻ; làm tốt hơn nữa việc thông tin khách quan về tình hình của mỗi nước, góp phần nâng cao sự hiểu biết và hữu nghị giữa người dân hai nước; tăng cường hợp tác giữa các địa phương.
Các địa phương Quảng Tây, Vân Nam, Trung Quốc và các tỉnh biên giới của Việt Nam đã thiết lập cơ chế họp Ủy ban liên hợp và cơ chế gặp gỡ giữa các Bí thư tỉnh ủy, khu ủy hai bên. Tiềm năng hợp tác giữa các địa phương của hai bên rất lớn, cần phát huy hiệu quả hơn nữa các cơ chế hợp tác giữa các địa phương.
Về vấn đề trên biển, chúng ta kiên trì lập trường chính đáng mang tính xây dựng và tích cực của mình; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, ta tiếp tục cùng Trung Quốc duy trì trao đổi thường xuyên ở nhiều cấp, kể cả cấp cao để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh tình hình diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chúng ta cần phải luôn kiên trì, tự tin, bình tĩnh, sáng suốt xử lý đúng đắn mọi vấn đề phức tạp và vấn đề mới nảy sinh.
Những kết quả tích cực trong quan hệ Việt - Trung năm 2018 sẽ là tiền đề tốt để hai nước cùng nhau duy trì, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã cùng nhất trí vì sự phồn vinh của hai quốc gia, dân tộc.