Sau khi loạt bài về số phận những tàu vỏ thép đã đăng trên các số báo trước, chúng tôi tiếp tục nhận đơn cầu cứu của Công ty CP đóng tàu Chu Lai về những khó khăn mà doanh nghiệp này đang phải gánh chịu, mong muốn các cơ quan liên quan có giải pháp để cùng tháo gỡ.
Bà Hoàng Thị Xuân Thảo, Tổng Giám đốc Công ty CP đóng tàu Chu Lai cho biết, ngoài việc gửi đơn đến Văn phòng Báo Đại Đoàn Kết, bà cũng đã gửi đơn cầu cứu đến Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các ban ngành cứu xét giúp đỡ công ty.
Theo bà Thảo, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam về việc, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đóng tàu cá vỏ thép phục vụ cho chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014 của Thủ tướng Chính phủ (NĐ67).
Cụ thể, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo địa phương nhằm giúp ngư dân khu vực ven biển từ Quảng Nam đến Bình Định, mà theo bà đến tại thời điểm này, từ Quảng Nam đến Bình Định cũng chỉ có duy nhất nhà máy của Công ty CP đóng tàu Chu Lai đủ điều kiện cho phép đóng mới và duy tu bảo dưỡng tàu cá có công suất từ 400CV trở lên, đóng tàu cá vỏ thép và phục vụ cho công tác đóng mới và duy tu bảo dưỡng tàu cá sau mỗi chuyến biển.
Công ty đã tham gia đóng mới 4 tàu cá theo NĐ67 và bảo dưỡng hàng trăm tàu cá vỏ thép công suất lớn các loại cho ngư dân địa phương.
“Tuy nhiên, khi NĐ67 được thay thế bằng Nghị định 17/2018/NĐ-CP, trong đó có việc ngư dân chỉ được hỗ trợ sau đầu tư, tức là ngư dân bỏ 100% vốn ra đóng mới tàu đưa vào khai thác mới được hỗ trợ sau đầu tư, như vậy thì ngư dân không đủ nguồn lực để tham gia đóng tàu mới.
Chính vì vậy, Công ty gặp khó khăn về đơn hàng đóng mới do chính sách thay đổi cộng với khoản hỗ trợ 1% chi phí duy tu bảo dưỡng cho tàu đóng mới hằng năm theo NĐ67 không được các ban ngành liên quan triển khai thực hiện” - bà Thảo nêu.
Theo bà Thảo, chính vì thế hậu quả là ngư dân vừa không đóng mới tàu, vừa không yêu cầu chính quyền hỗ trợ 1% duy tu bảo dưỡng hằng năm được nên bỏ tàu nằm bờ và không đưa lên nhà máy để duy tu bảo dưỡng định kỳ.
Vì vậy, công ty thực sự gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và khó khăn này được Ngân hàng NN&PTNN Quảng Nam giai đoạn đầu cho phép cơ cấu lại khoản nợ vay đã đầu tư xây dựng nhà máy với số tiền 21 tỷ đồng (chưa tính lãi).
Tiếp đến, đại dịch Covid-19 hoành hành ở 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng 2 năm liên tiếp (2020-2021), khiến công ty bị ảnh hưởng không nhỏ. Từ đây cuộc sống của công nhân rất khó khăn, Công ty không có nguồn thu trả nợ cho ngân hàng khi thời gian cơ cấu nợ đã hết.
“Công ty đã làm văn bản đề xuất ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 nhưng công ty vẫn không thuộc đối tượng để tiếp tục cơ cấu lại nợ vay. Vì vậy, Công ty đã bị chuyển nhóm nợ lên đến Nhóm 4 (nợ xấu) và không còn khả năng để duy trì sản xuất và kêu gọi đầu tư hợp tác” - bà Thảo chia sẻ.
Trong đơn bà Thảo cho rằng, đại dịch Covid-19 khiến công ty bị ảnh hưởng nặng nề chứ không phải công ty đầu tư khai thác không hiệu quả, lãng phí mà ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của dự án nên đề nghị được Nhà nước xem xét hỗ trợ.
Bà Thảo còn cho rằng, các cơ quan chức năng có thể kiểm tra năng lực của công ty qua Phòng Đăng kiểm tàu cá, Bộ NNPTNT để hiểu rõ là từ Quảng Nam đến Bình Định duy nhất chỉ có nhà máy Công ty CP đóng tàu Chu Lai có chức năng đóng mới và sửa chữa tàu cá vỏ thép mà thôi.
Theo đơn, Công ty CP đóng tàu Chu Lai khẩn thiết đề nghị: Cho phép công ty được trả dứt điểm nợ gốc bằng hình thức kêu gọi đầu tư góp vốn hoặc bán bớt những tài sản chưa sử dụng đến. Xin được xóa toàn bộ khoản nợ lãi đến thời điểm 30/4/2022.
Đề nghị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ công ty được chuyển nhóm nợ từ Nhóm 4 (nợ xấu) về Nhóm 2 (nợ chú ý) để công ty kêu gọi hợp tác đầu tư, vì hiện nay các đối tác cho rằng công ty thuộc nợ xấu Nhóm 4 nên không thể hợp tác cùng công ty, hoặc NHNN thống nhất bằng văn bản cho phép công ty sau khi trả dứt điểm nợ vay thì không lưu CIC về nợ xấu Nhóm 4 của Công ty nữa.
Theo thống kê, Quảng Ngãi có 62 tàu đóng mới theo nghị định 67 với tổng vốn gần 390 tỷ đồng và 80% tàu đánh bắt không hiệu quả, đã, đang và sẽ bị ngân hàng khởi kiện. Còn theo thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Nam, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã giải ngân theo Nghị định 67 cho 65 chủ tàu (đóng mới 63 tàu, cải hoán 2 tàu) tổng vốn vay hơn 719 tỷ đồng. Tính đến nay có khoảng 30% không thực hiện nghĩa vụ trả nợ như cam kết, bị ngân hàng bán thanh lý thu hồi nợ.