VinFast bất đắc dĩ phải giảm giá bán để giữ được tính cạnh tranh với các mẫu xe của mình tại thị trường Mỹ.
Theo Nhịp sống thị trường, Tesla vừa khởi động cuộc chiến về giá trong lĩnh vực xe điện toàn cầu với mức giảm lên tới 20% nhằm kích cầu tiêu dùng. Thị trường xe điện sẽ bị xáo động đáng kể, những tác động có thể chưa đánh giá hết được.
Nhưng trước mắt, động thái của Tesla khiến các đối thủ trong lĩnh vực xe điện không thể ngồi yên, đặc biệt là tại Mỹ, thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Theo sau, Ford đã thông báo giảm giá bán một trong những mẫu xe điện bán chạy nhất của mình, Mustang Mach-E. Cùng lúc, VinFast cũng phải bất đắc dĩ tham gia vào cuộc chạy đua giá, trong bối cảnh nhà sản xuất xe điện Việt Nam vừa đặt chân đến xứ cờ hoa.
Hãng xe điện mới đang "cân nhắc nhiều chương trình ưu đãi". Hành động cụ thể là VinFast công bố giảm 6.500 USD cho VF8, mẫu SUV điện cỡ trung.
Cuộc cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu thế giới là điều mà VinFast đã lường trước và được xếp vào một trong những rủi ro trọng yếu. Công ty Việt Nam sẽ phải đối mặt với các nhà sản xuất EV (xe điện) lâu đời, những nhà sản xuất xe ICE (động cơ xăng) tiếng tăm muốn tham gia vào thị trường, hay cả những tay chơi mới tương tự như VinFast.
Tesla đã thiết lập được vị thế trên thị trường toàn cầu, thương hiệu nổi tiếng, mối quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp. Nhưng khi nhu cầu bắt đầu giảm vào nửa cuối năm, đặc biệt tại Trung Quốc, Tesla giảm giá bán, hành động đa mục tiêu.
Cạnh tranh trên thị trường xe điện có thể gay gắt hơn trong tương lai, nhu cầu gia tăng kéo theo sự tham gia mạnh mẽ hơn của những người chơi mới. Các khác biệt về thương hiệu, thiết kế sản phẩm, giá cả, chi phí sử dụng, dịch vụ hậu mãi, quy mô sản xuất đem đến nhiều biến số.
Cạnh tranh cao có thể khiến doanh số của VinFast thấp hơn, tạo áp lực giảm giá, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính và dòng tiền hoạt động.
VinFast là người chơi mới trên thị trường xe điện, phải tiếp thị và bán xe trên thị trường quốc tế. Công ty đã đạt được bước chân đầu tiên khi đưa 999 xe điện cập cảng bờ Tây nước Mỹ bàn giao cho khách hàng. Dù cho có năng lực thực thi nhanh chóng: giao xe ICE sau 2 năm, ra mắt mẫu EV đầu tiên sau 4 năm, bán xe tại thị trường Mỹ sau 5 năm; nhưng ngành xe điện vẫn quá mới mẻ đối với một tập đoàn với cốt lõi là bất động sản như Vingroup.
"Những rủi ro không lường trước liên quan đến việc chuyển từ nhà sản xuất ICE sang EV có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động của chúng tôi", VinFast nêu trong bản cáo bạch gửi lên Uỷ ban Chứng khoán Mỹ (SEC) tháng 12/2022.
Tại Việt Nam, thành công của VinFast trong tương lai phụ thuộc vào khả năng tiếp tục thiết kế, sản xuất và bán các loại xe chất lượng cao, an toàn khi công ty chuyển sang nhà sản xuất xe thuần điện. Bên cạnh đó, với chiến lược tăng trưởng là bán xe trên thị trường quốc tế, VinFast còn phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn nữa.
VinFast nêu ra ít nhất 16 rủi ro khi hoạt động tại thị trường nước ngoài kèm lưu ý không giới hạn: cạnh tranh với các đối thủ tiềm lực mạnh mẽ hơn, chi phí phát triển và phân phối tại nhiều quốc gia, pháp lý, các rủi ro về kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, mạng lưới tiếp thị, biến động ngoại tệ…
Cho đến tháng 9/2022, công ty mẹ Vingroup đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ tài chính cho VinFast. Vingroup cùng các công ty liên kết và bên cho vay đã tài trợ 7,5 tỷ USD cho phi phí hoạt động và chi phí vốn kể từ năm 2017, theo bản cáo bạch. Nhưng nhà sản xuất Việt Nam sẽ cần nhiều vốn hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh xe điện trên phạm vi toàn cầu.
Với nhu cầu vốn đáng kể trong trung hạn, công ty đang kỳ vọng nhiều vào đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết trên sàn Mỹ trong quý 2/2023. Thương vụ có thể giúp VinFast huy động 1 tỷ USD, theo Bloomberg.
[Vingroup: Lợi nhuận trước thuế đạt 12.694 tỷ đồng năm 2022]