Vinh dự và thách thức

Phương Nam (thực hiện) 25/01/2016 09:00

2 Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý của Việt Nam đã được chấp thuận trở thành trung tâm UNESCO dạng hai. Chúng tôi đã  có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Lê Tuấn Hoa - Viện trưởng Viện Toán học về vấn đề này. 

Vinh dự và thách thức

Đoàn công tác liên Bộ của Việt Nam tại buổi làm việc với Ban điều hành UNESCO.

PV:Ông có thể biết đôi điều về Trung tâm UNESCO dạng 2 và việc chúng ta có 2 Trung tâm như thế về Toán và Lý có ý nghĩa như thế nào?

GS Lê Tuấn Hoa: Hiện trên thế giới có 10 trung tâm UNESCO, được đặt tại 10 nước. Về Lý và Toán có Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) nổi tiếng, đặt tại Trieste (Italia). Rất nhiều cán bộ về Lý và Toán của Việt Nam đã từng đến đây dự hội nghị, hoặc nghiên cứu, học tập. Những Trung tâm này được UNESCO tài trợ một phần kinh phí (có thể tới 50%). Số kinh phí còn lại do chính phủ của nước sở tại cấp và cũng được tính như là sự đóng góp của nước đó cho UNESCO. Đây là những Trung tâm được gọi không chính thức là Trung tâm UNESCO dạng 1.

Còn Trung tâm UNESCO dạng 2, là những trung tâm do các nước thành lập, được UNESCO bảo trợ về mặt tư vấn chương trình, điều hành, hỗ trợ thiết lập mạng lưới hợp tác quốc tế, nhưng không cấp kinh phí. Những trung tâm này có sứ mệnh chủ yếu là đào tạo chuyên ngành cho khu vực và quốc tế. Cho đến nay có 81 trung tâm như vậy.

Cứ 2 năm một, UNESCO xem xét công nhận hoặc đồng ý cho phép thành lập trung tâm UNESCO dạng 2. Với mỗi trung tâm như vậy, cứ 4-5 năm hoạt động, UNESCO lại tiến hành xem xét đánh giá hoạt động của nó để quyết định có tiếp tục bảo trợ nữa hay không (tức có tiếp tục cho giữ tên trung tâm UNESCO dạng 2 nữa không).

Như vậy có thể nói được công nhận hay chấp thuận thành lập Trung tâm UNESCO dạng 2 không dễ tý nào. Việt Nam được UNESCO chấp thuận thành lập hai trung tâm như thế, đó vừa là vinh dự vì đó là sự công nhận quốc tế, vinh dự cho Việt Nam nói chung và Viện Hàn lâm KHCNVN nói riêng, nhưng đồng thời cũng là một thử thách rất lớn.

Ông có thể nói rõ hơn về quá trình duyệt hồ sơ?

- Có thể nhìn lại lộ trình cơ bản như sau: Tháng 10/2014, đoàn công tác liên Bộ KHCN và Viện Hàn lâm đi thăm hai trung tâm UNESCO dạng 2 ở Pháp và Rumani, và Trung tâm Vật lý lý thuyết Quốc tế ICTP để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó 2 Viện Toán học và Vật Lý đã khẩn trương xây dựng đề án.

Tháng 12/2014, Bộ KHCN kiến nghị với Thủ tướng về chủ trương tham gia mạng lưới các Trung tâm khoa học được UNESCO công nhận và bảo trợ và được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý.

Tháng 2/2015,trưởng Bộ KHCN gửi công thư cho Tổng Giám đốc UNESCO đăng kí gửi hồ sơ thành lập hai trung tâm UNESCO và nhận được phản hồi tích cực.

Cuối tháng 6-2015, đoàn nghiên cứu khả thi UNESCO đến Việt Nam làm việc với Bộ KHCN, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCNVN và hai viện Toán học và Vật lý để khảo sát, đánh giá đề án do hai viện Toán học và Vật Lý đề xuất. Kết luận sơ bộ: đoàn ủng hộ đề xuất của Việt Nam.

Tháng 10/2015, Ban Điều hành UNESCO tổ chức họp tại Paris để xem xét các đề xuất. Một đoàn công tác liên Bộ KHCN, Viện Hàn lâm KHCNVN và Ủy ban UNESCO Việt Nam đã tới UNESCO để tham gia vận động và giải thích các điểm chính của đề án. Tại phiên họp chiều tối 15/10/2015, Ban Điều hành UNESCO đã thông qua đề án.

Tháng 11/2015, trên cơ sở kiến nghị của Ban Điều hành UNESCO, Đại hội đồng UNESCO đã quyết định chấp thuận đề xuất thành lập 2 Trung tâm UNESCO dạng 2 của Việt Nam.

Thưa GS, như mọi người đều biết chúng ta đã có Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Vậy tại sao không giao luôn nhiệm vụ này cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán?

- Viện NCCC Toán không có biên chế cơ hữu. Các nhà toán học chỉ đến đó nghiên cứu một thời gian ngắn, rồi lại quay về trường mình giảng dạy. Do vậy họ không thể đảm nhiệm công tác giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu tại hai Trung tâm.

Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học sẽ tận dụng mời các chuyên gia hàng đầu có mặt tại Viện NCCC Toán đến giảng bài hoặc báo cáo khoa học.

Ông có thể cho biết về mục tiêu chính của hai trung tâm?

- Mục tiêu chính là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trình độ quốc tế cũng như tiến hành một số đề tài nghiên cứu chung giữa các chuyên gia trong khu vực Đông Nam Á về hai lĩnh vực Toán và Lí. Tối thiểu 1/3 số học viên và nghiên cứu viên sẽ là người nước ngoài.

Một mục tiêu quan trọng nữa của 2 trung tâm là tổ chức các hội nghị khoa học và hội thảo tập trung vào các nước ASEAN, từ đó nâng cao khả năng trao đổi học thuật, tạo điều kiện hình thành các tập thể nghiên cứu chung giữacác nước ASEAN trong 2 lĩnh vực Toán học và Vật lý.

Vậy việc thành lập 2 trung tâm có tác động thế nào đối với phát triển khoa học của Việt Nam và đâu là khó khăn lớn nhất cho hoạt động của 2 trung tâm?

- Khó khăn nhất cho việc hoạt động của hai trung tâm là làm sao để được Chính phủ cho phépthiết lập một hệ thống học bổng đủ hấp dẫn. Chỉ có như vậy mới tuyển được học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh cũng như các nghiên cứu viên sau tiến sĩ thực sự có năng lực – một điều kiện tiên quyết để đi tới thành công trong đào tạo đỉnh cao.

Trân trọng cảm ơn giáo sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vinh dự và thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO