Từ một dự án Trung tâm thương mại, sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và qua nhiều bước điều chỉnh, một phần lớn đất của dự án Trung tâm thương mại Vĩnh Yên đã biến thành dự án đất ở đô thị mà không thông qua đấu giá, có dấu hiệu gây thất thoát ngân sách Nhà nước, “hô biến” đất thương mại thành đất nhà ở đô thị.
“Hô biến” dự án trên “đất vàng”
Theo đó, Dự án Trung tâm thương mại Vĩnh Yên tại phường Liên Bảo và Khai Quang (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) do Công ty TNHH Soiva Việt Nam làm chủ đầu tư, được Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 7/4/2008 với diện tích 6,59 ha.
Sau khi được giao đất, Công ty Cổ phần Soiva đã xây dựng 1 trung tâm thương mại 4 tầng để kinh doanh và cho thuê, phần diện tích đất còn lại khoảng hơn 3 ha được công ty để không trong nhiều năm.
Ngày 15/1/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 108/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung thêm đất xây dựng khách sạn, văn phòng và nhà chung cư thu nhập thấp trong diện tích đất đã quy hoạch khu Trung tâm thương mại Vĩnh Yên.
Tiếp đó, năm 2016, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có ý kiến đồng ý cho phép chuyển nhượng một phần dự án Trung tâm thương mại Vĩnh Yên của Công ty TNHH Soiva Việt Nam (tại Thông báo Ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy số 190 TB/TU ngày 9/3/2016).
Sau khi có thông báo số 190 nêu trên, ngày 2/11/2016, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 3629/QĐ-UBND về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án Trung tâm thương mại Vĩnh Yên và giao đất cho 2 công ty đồng sở hữu là Công ty TNHH Soiva Việt Nam và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân (Công ty Bảo Quân).
Lúc này, Công ty Bảo Quân được giao thực hiện dự án với diện tích đất hơn 3,2 ha gồm: Đất thương mại dịch vụ, đất công trình công cộng, đất cây xanh và các loại đất khác. Theo đó, hình thức giao, cho thuê đất là: Nhà nước cho thuê theo quy định; cho thuê nộp tiền hàng năm; đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất...
Đến năm 2017, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tiếp tục đồng ý chủ trương về việc thay đổi tính chất dự án, chuyển mục đích sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm thương mại Vĩnh Yên giai đoạn 2, thể hiện tại Thông báo số 682-TB/TU ngày 15/3/2017.
Căn cứ Thông báo số 682-TB/TU, ngày 20/3/2017 ông Vũ Chí Giang đã ký ban hành Quyết định số 851/QĐ-UBND về việc Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Tổ hợp dịch vụ văn phòng, khách sạn và khu nhà ở Bảo Quân. Trong đó, có 13.339 m2 đất vàng được chuyển sang làm đất ở thấp tầng (chia thành 48 lô đất có diện tích từ 236 m2 đến 391 m2).
Tự ý điều chỉnh, thất thoát trăm tỷ?
Ngày 29/9/2017, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ban hành Quyết định 2624/QĐ- UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/500 Tổ hợp dịch vụ văn phòng, Khách sạn 5 sao và khu nhà ở Bảo Quân tại phường Liên Bảo và phường Khai Quang thành phố Vĩnh Yên. Trong đó, diện tích đất ở thấp tầng được giữ nguyên là 13.339 m2.
Như vậy, sau khi có sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, hơn 1,3 ha đất vàng quy hoạch trong khu Trung tâm thương mại đã biến thành đất ở để doanh nghiệp phân lô, bán nền.
Đáng nói, dự án Khu Trung tâm thương mại Vĩnh Yên giai đoạn 2 được điều chỉnh nhiều lần, có tổng mức đầu tư lớn (trên 500 tỷ đồng) nhưng lại không được thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy (theo quy chế làm việc) mà chỉ có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (3 người).
Ngoài ra, chỉ bằng “động tác” điều chỉnh quy hoạch (có sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) một phần diện tích đất lớn của dự án ban đầu (trên 1,3 ha) đã biến thành đất ở đô thị. Trong khi việc lập một dự án đất ở đô thị rất phức tạp và theo Điểm a, Khoản 1, Điều 118 Luật Đất đai 2013 thì diện tích đất này phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Phúc ở dự án này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có hay không dấu hiệu cố ý làm trái, gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước. Bởi nếu tính theo giá thị trường hiện nay (khoảng 50 triệu đồng/m2) thì đã gây thất thoát vài trăm tỷ đồng ngân sách nhà nước. Do đó, người dân tại đây đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ các dấu hiệu sai phạm kể trên để xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật (nếu có).
Ghi nhận thực tế của PV Báo Đại Đoàn Kết tại đây cũng cho thấy, một phần diện tích thuộc dự án hiện nay đã biến thành đất nhà ở đô thị. Trong đó, rất nhiều biệt thự liền kề “tiền tỷ” mọc lên ngay sau toà nhà Crowne Plaza có đề biển “Khu biệt thự Bảo Quân, phường Liên Bảo”. Một số diện tích đất còn lại vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Liên quan đến những dấu hiệu bất thường tại dự án Trung tâm thương mại Vĩnh Yên được dư luận xã hội quan tâm, PV Báo Đại Đoàn Kết đã đặt câu hỏi đối với UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Từ dự án Trung tâm thương mại Vĩnh Yên (phường Liên Bảo) qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch của tỉnh. Một phần diện tích lớn tại đây đã trở thành dự án Tổ hợp dịch vụ văn phòng, khách sạn 5 sao và khu nhà ở Bảo Quân. Đặc biệt trong đó có hơn 1,3 ha đất ở thấp tầng - có thể nói đất ở đô thị. Trong khi đó theo luật đất đai năm 2013 thì diện tích đất này phải thông qua đấu giá. Việc UBND tỉnh không thông qua đấu giá, không lập quy hoạch theo trình tự mà qua nhiều lần điều chỉnh đã giao khu đất này cho Công ty Bảo Quân là đúng hay sai?
Cùng với đó, theo những tài liệu mà PV Báo Đại Đoàn Kết đang có, ngày 18/5/2017 UBND tỉnh đã ban hành quyết định 1503 về việc điều chỉnh giao đất tỉ lệ 1/500 dự án: Tổ hợp dịch vụ văn phòng, khách sạn 5 sao và khu nhà ở Bảo Quân trước khi dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư (theo quyết định số 59 ngày 12/1/2018) như vậy có đúng quy định?