Trong 11 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Phúc tiếp tục là "ngôi sao" hút dòng vốn FDI khi các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 21 dự án FDI mới và 39 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 556,03 triệu USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%.
Năm 2023 cũng có 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 14% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD (giảm 22,1% so với cùng kỳ).
Đáng chú ý, giải ngân vốn FDI cũng đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.
Các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài có thể kể đến như: TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai,..
Vĩnh Phúc cũng là địa phương thu hút dòng vốn FDI "đổ" về các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Từ 1 KCN khi mới tách tỉnh (1997) với quy mô giai đoạn 1 là 50ha, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển 19 KCN với tổng diện tích quy hoạch hơn 5.487ha.
Trong đó, 16 KCN được thành lập với tổng diện tích đất quy hoạch được duyệt trên 3.168ha và 3 KCN đang triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư (Lập Thạch I, KCN Lập Thạch II và KCN Chấn Hưng).
Với nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh nói chung và các công ty đầu hạ tầng nói riêng, đến hết tháng 11 năm 2023, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 21 dự án FDI mới và 39 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 556,03 triệu USD (cấp mới 247,35 triệu USD; tăng vốn 308,68 triệu USD), đạt 187% so với cùng kỳ năm 2022 và 159% kế hoạch năm 2023; thu hút 13 dự án trong nước và 4 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 6.239,33 tỷ đồng (cấp mới 4.302,57 tỷ đồng; tăng vốn 1.936,76 tỷ đồng), đạt 137% so với cùng kỳ năm 2022 và 208% so với kế hoạch năm 2023.
Theo thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc, chỉ trong tháng 11/2023, đơn vị này đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 2 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 10 triệu USD; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho 2 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 11,5 triệu USD. Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong tháng 11/2023 là 21,5 triệu USD.
Tính đến ngày 15/11/2023, số dự án đầu tư còn hiệu lực trong các KCN của tỉnh là 470 dự án, gồm 109 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 32.730,47 tỷ đồng và 361 FDI, với tổng vốn đầu tư là 6.353,62 triệu USD.
Lũy kế đến ngày 15/11/2023, có 402 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc (328 dự án FDI và 74 dự án DDI), chiếm 86% tổng số dự án đầu tư.
Các dự án đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có các tập đoàn lớn như Sumitomo, Honda, Toyota, Piaggio, Foxconn, Compal… Giai đoạn 2018 - 2023, bình quân mỗi năm có từ 25 - 30 dự án tăng vốn với số vốn từ 180 - 300 triệu USD.
Hằng năm, các doanh nghiệp trong KCN đóng góp khoảng 60-65% giá trị sản xuất công nghiệp, 60-65% giá trị kim ngạch xuất khẩu; nộp ngân sách chiếm 75 - 80% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; tạo việc làm cho trên 120.000 lao động.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các KCN tỉnh Vĩnh Phúc được Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc quan tâm đẩy mạnh, với các hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, đặc biệt là tiếp tục chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ để các nhà đầu tư đánh giá thực tế môi trường đầu tư trong các KCN của tỉnh.
Để tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN, tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh, trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp hạ tầng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.
Tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư hạ tầng có tiềm năng để hướng tới các KCN đã quy hoạch nhằm nâng cao giá trị, tỷ lệ thu hút đầu tư.