Hàng chục nghìn mét đất nông nghiệp của 80 hộ dân tại thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) có nguy cơ mất trắng khi bị một số cá nhân tự ý lấn chiếm, xây dựng trái phép, khiến bà con không thể canh tác.
Khốn khổ vì không có đất canh tác
Vừa qua, Báo Đại Đoàn Kết nhận được phản ánh của hàng trăm người dân thôn An Lão về việc một số cá nhân đã lấn chiếm hàng chục nghìn mét đất nông nghiệp của bà con tại Sứ Đồng Trũng Trì.
Theo phản ánh của người dân, nhiều đối tượng lợi dụng thời gian qua có một số dự án triển khai trên địa bàn thôn An lão thấy giá trị kinh tế nên muốn nhập nhèm việc đất thầu để bán cho dự án thu lợi cá nhân.
Cụ thể, theo anh Đỗ Gia Bàng cùng nhiều hộ dân có diện tích đất tại Sứ Đồng Trũng Trì (thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh), khu đất nông nghiệp mà bà con bị lấn chiếm là đất nông nghiệp được Nhà nước giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ.
Năm 1993, do cơ cấu dồn ghép ruộng đất, đến năm 1996 thôn thống nhất mỗi khẩu để lại 2 thước = 48 m2 tại Sứ Đồng Trũng Trì, hàng năm cho thầu lấy tiền làm công trình phúc lợi trong thôn, thôn An Lão là thôn được dồn ghép năm 2019 từ 2 thôn An Lão Trên và An Lão Giữa.
Đầu năm 2014, thôn An Lão Trên cho hộ ông Đặng Quang Hưng thầu với diện tích 12.960 m2 trong vòng 10 năm để nuôi trồng thủy sản tại Sứ Đồng Trũng Trì. Tuy nhiên, đến năm 2017 ông Hưng tự nguyện làm đơn xin thanh lý hợp đồng, khi đó ông Nguyễn Tiến Thực (trưởng thôn cũ) và ông Vũ Quang Kiếm (bí thư thôn cũ) đã tự ý thanh lý hợp đồng nhưng không thông qua người dân.
“Ông Thực không trả đất cho thôn mà tự ý để 3 hộ gia đình lấn chiếm đất của dân là ông Hưng (thôn An Lão), ông Kiên (thôn Hệ), ông Huy (thôn Muôn Trì) nuôi cá và trồng cây trong suốt 4 năm qua”, anh Bàng bức xức nói.
Còn tại thôn An Lão Giữa cho 3 ông Đặng Quang Cường (3.720 m2), Nguyễn Văn Kiên (5.040 m2), Đàm Hữu Yến (3.720 m2) thầu diện tích đất của thôn tại Sứ Đồng Trũng Trì, trong hợp đồng thầu ghi rõ khi chuyển nhượng cho người khác phải thông qua dân.
Đến cuối năm 2020, người dân tá hỏa khi phát hiện một phần lớn diện tích đất nông nghiệp tại thôn An Lão bị một số đối tượng dùng máy móc, xe cơ giới, máy hút cát từ sông Hồng vào để tiến hành san lấp mặt bằng, rào tôn kín xung quanh, ép cọc bê tông, trồng nhiều cây trên phần đất của người dân. Ngay khi phát hiện sự việc, người dân đã mang đơn đi cầu cứu từ chính quyền xã đến huyện, tỉnh thậm chí cả Trung ương.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phùng Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh xác nhận, sự việc người dân phản ánh là đúng, diện tích đất nông nghiệp mà người dân phản ánh bị lấn chiếm thì Nhà nước không có chủ trương thu hồi.
“Việc một số cá nhân tự ý lấn chiếm, quây tôn và xây dựng các công trình trái phép trên phần đất của người dân thôn An Lão tại Sứ Đồng Trũng Trì, UBND xã có nắm bắt và tiến hành kiểm tra, lập biên bản và đã nhiều lần báo cáo lên cấp trên”, ông Xuân thông tin.
Được biết, ngày 8/3/2021, UBND xã Vĩnh Thịnh đã có báo cáo số 11/BC–UBND về việc giải quyết đơn của công dân thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh. Theo đó, UBND xã Vĩnh Thịnh đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Vĩnh Tường cùng các cơ quan liên quan yêu cầu cá nhân anh Trịnh Quốc Thi tháo dỡ hàng rào chắn tôn, anh Thi sau đó đã dỡ bỏ. Tuy nhiên, sau khi hàng rào chắn tôn bị dỡ bỏ thì không rõ cá nhân hay tổ chức nào đã dựng lại rào chắn này vào phía bên trong giáp bờ ruộng. Hiện người dân vẫn tiếp tục đề nghị dỡ bỏ rào chắn tôn để lấy đường đi lại và canh tác.
Chính quyền có thờ ơ?
Liên quan đến vụ việc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng có văn bản số 2926/UBND-TD5 ngày 27/4/2021 về việc giải quyết đơn của bà Vũ Thị Hoài cùng các công dân ở xã Vĩnh Thịnh, về nội dung phản ánh một số đối tượng ép cọc bê tông lấn chiếm đất của người dân, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Vĩnh Tường chỉ đạo xem xét ra quyết định đình chỉ ngay đối với hành vi thi công xây dựng trái pháp luật trên diện tích đất của người dân trước ngày 15/5/2021.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên ngày 14/7, tại khu đất nông nghiệp mà người dân phản ánh bị lấn chiếm được quây tôn kín mít, trải dài hàng trăm mét ngay mặt đường quốc lộ, bên trong khu đất được lắp đặt ống nhựa hút cát, nhiều cọc bê tông xây dựng kiên cố chưa hề có dấu hiệu bị tháo dỡ.
Đặc biệt, liền kề với khu đất mà người dân bị lấn chiếm là dự án khu văn hóa đa năng Vĩnh Thịnh An Tường đang được xây dựng rầm rộ, vô cùng hoành tráng.
Để làm rõ thông tin phản ánh trên, phóng viên Đại Đoàn Kết đã có buổi làm việc với ông Lê Chí Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường. Ông Thái cho biết, huyện đã nắm được thông tin vụ việc và đã có báo cáo lên tỉnh, đồng thời tập trung giải quyết bằng việc thành lập tổ tư vấn gồm lãnh đạo UBND huyện, các phòng ban liên quan như Tư pháp, Tài nguyên Môi trường, Thanh tra để rà soát lại hồ sơ, giấy tờ, chứng từ, từ đó làm cơ sở giải quyết kiến nghị của người dân.
“Sau khi rà soát, nhận thấy vụ việc vẫn liên quan đến các hộ thầu kia, theo như sai phạm đó thì chúng tôi đã yêu cầu UBND xã Vĩnh Thịnh lập biên bản đình chỉ, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ thầu. Sau đó các hộ này đã nộp phạt và cam kết sẽ trả lại mặt bằng cho người dân trong thời gian sớm nhất”, ông Thái thông tin.
Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao đến nay đã được gần 3 tháng, kể từ khi có văn bản chỉ đạo số 2926/UBND-TD5 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc mà UBND huyện Vĩnh Tường vẫn chưa thể xử lí dứt điểm tình trạng trên, hệ thống rào tôn vẫn được quây kín, công trình xây dựng trái phép chưa được tháo dỡ, người dân vẫn chưa có chỗ để canh tác thì ông Thái cho biết, hiện vẫn đang trong quá trình rà soát, chờ ý kiến của tổ tư vấn…
Thứ hai là do công tác chuẩn bị bầu cử, công tác phòng chống dịch bệnh nên không có đủ thời gian giải quyết.
Như vậy có thể thấy, dù đã có chỉ đạo rất quyết liệt của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Tuy nhiên UBND huyện Vĩnh Tường vẫn rất chậm trễ trong việc xử lí, giải quyết kiến nghị của người dân, khiến người dân vô cùng bức xúc và bất an.
Qua sự việc trên đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Vình Phúc vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như cảnh tỉnh kẻ xấu lợi dụng chiếm đất người dân giao cho dự án, trả lại đất cho người dân canh tác, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.