Vô cảm

Tinh Anh 07/10/2020 08:35

Câu chuyện một gia đình ở thôn Tân Minh (xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) có 5 đứa trẻ cùng vào học lớp 1, dù chênh lệch nhau gần chục tuổi, khiến người ta vừa đau xót, vừa phẫn nộ với thói vô cảm của một số cán bộ ở địa phương này.

Vợ chồng anh Trương Bình Xuyên và chị Minh Thị Nguyệt vừa “thở phào”, vì cuối cùng trong số 7 đứa con (1 đứa mới đẻ, 1 bị bại não), đã có 5 đứa được nhà chức trách cho... đi học lớp 1. Trong số 5 anh em cùng được vào lớp 1, đứa lớn tên Định đã 14 tuổi, đứa bé nhất tên Ngân kém anh tới gần chục tuổi. Dù đã gần hết tuổi trẻ em lần đầu tiên mới được cắp sách đến trường, lại học chung với 4 đứa em, Định vẫn hết sức vui mừng.

Sự vui mừng của Định lại chính là nỗi đau của xã hội. Làm sao có thể hình dung trong xã hội của chúng ta lại có chuyện những đứa trẻ ham học, muốn được cắp sách tới trường, được cha mẹ tạo điều kiện cho tới lớp, nhưng lại bị ngăn xóa mù chữ? Con của vợ chồng anh chị Xuyên - Nguyệt không được tới lớp chỉ đơn giản vì... nhân thân không rõ ràng.

Cội nguồn của sự việc là do giấy tờ của anh Trương Bình Xuyên “có vấn đề”. Trên giấy tờ của anh Xuyên, thay vì phải ghi họ “Trương” thì người ta lại ghi thành “Chương”, vì thế giữa tên thực tế và tên trong giấy tờ là “hai người khác nhau”. Và tất nhiên, cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang đã “thực thi đúng pháp luật”, “giữ vững nguyên tắc”, kiên quyết không làm hộ khẩu cho gia đình anh Xuyên.

Khi cơ quan công an đã “làm đúng pháp luật” là từ chối cấp hộ khẩu cho gia đình anh Xuyên, không có lý gì trường học, chính quyền địa phương lại “phạm pháp”, cho con cái anh Xuyên đến trường mà không có giấy tờ chứng minh “nguồn gốc xuất xứ”. Đó là lý do nhiều lần anh Xuyên, chị Nguyệt đi xin học cho các con chỉ nhận được cái lắc đầu, xua tay của những người có trách nhiệm.

Đến đây chắc chắn sẽ có người đặt vấn đề: Vì sao anh Xuyên không kêu cứu, thậm chí khiếu kiện?

Những ai từng thấy bữa cơm của gia đình anh Xuyên thì đều cảm thấy bất nhẫn. Ngày này qua ngày khác, bữa cơm của 7 đứa trẻ ngoài một vài món rau rừng mà chúng tự đi hái lượm, thì tuyệt nhiên trên mâm không có thêm bất cứ món ăn nào khác. Nhà anh Xuyên nghèo đến nỗi với 7 đứa trẻ thì chỉ một bữa được ăn no đã là quá đủ, làm sao dám mơ đến các món thịt cá.

Dẫu nghèo nhưng vợ chồng anh Xuyên vẫn quyết tâm cho các con tới trường học chữ, để sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội. Tiếc rằng, nhiều năm qua, ý nguyện đó của anh chị đã bị những cán bộ vô cảm vùi dập, lãng quên. Và giờ đây, khi họ “chiếu cố” cho cả 5 đứa con của anh Xuyên cùng vào lớp 1, chúng buộc phải dùng chung 2 bộ sách giáo khoa được nhà trường tặng, vì bố mẹ chúng không có tiền mua sách cho con.

Liên quan tới việc các con của vợ chồng anh Xuyên không được đi học vì không có hộ khẩu, nhiều luật sư, chuyên gia luật khẳng định, các cơ quan chức năng ở địa phương đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Tại Điều 37, Hiến pháp 2013 quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục. Còn tại Điều 16, Luật Trẻ em nêu rõ: Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập, được bình đẳng về cơ hội học tập...

Chiếu theo các quy định trên, việc cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang lấy lý do không có hộ khẩu để ngăn không cho các con anh Xuyên đi học là đã vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp 2013, Luật Trẻ em và nhiều quy định có liên quan khác. Dù không có hộ khẩu, chính quyền địa phương và các trường học trên địa bàn xã Tân An vẫn buộc phải tiếp nhận các con của anh Xuyên đến lớp học tập. Chẳng phải ở Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành phố khác vẫn có nhiều trường hợp học trái tuyến đó sao?

Từ câu chuyện thất học của những đứa trẻ con vợ chồng anh Xuyên, chị Nguyệt, mới thấy rằng ở đâu đó trong xã hội, đôi khi vẫn có không ít cán bộ có thái độ vô cảm. Họ không quan tâm những đứa trẻ, những người yếu thế. Trong trường hợp cụ thể kể trên, họ đâu biết rằng, việc “giữ nguyên tắc” của mình chính là hành vi vi phạm pháp luật, tước đi quyền trẻ em của những đứa bé tội nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vô cảm