Có người ví von, việc một chủ vườn lan đột biến (còn gọi là lan var) ôm 200 tỉ đồng biến mất như “sấm nổ giữa trời quang”. Những người chung vốn, mua đi bán lại với ông chủ vườn nọ khiếp hãi đã đành, nhưng còn đông hơn là rất nhiều người suốt thời gian qua đã lao vào “phi vụ” lan đột biến với giấc mộng làm giàu, thì nay vỡ mộng. Tại họa rình chờ ngay trước mặt.
Ngày 13/4, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Ứng Hòa xác minh, triệu tập những người liên quan để điều tra thông tin chủ vườn lan đột biến ôm 200 tỷ đồng biến mất. Được biết, công an đã nhận được đơn trình báo của 3 người phản ánh việc chuyển tiền cho chủ vườn lan Hà Thanh để mua bán lan đột biến. Tuy nhiên, đến ngày giao cây thì không liên lạc được với chủ vườn. Tìm đến nhà thì không thấy chủ vườn lan đâu. Tổng số tiền theo đơn trình báo khoảng 11 tỷ đồng của 3 người.
Vườn lan này đã mở được chừng 5 năm, hoạt động nhộn nhịp, “uy tín”, là 1 trong 3 hộ có quy mô lớn nhất xã Hòa Nam về lan đột biến, thậm chí lớn hàng đầu trong huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Từ vụ này, lại nhớ đến “phong trào” mua bán lan đột biến, đã bắt đầu rộ lên từ năm 2017. Đặc biệt, trong năm 2020, dù rất khó khăn do dịch Covid-19 nhưng lại có nhiều thương vụ mua bán, chuyển nhượng lan đột biến được quảng cáo rầm rĩ. Những giò lan được niêm yết giá kỷ lục, từ vài tỷ đồng đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, khiến người ta sửng sốt.
Ngày 19/12/2020, thiên hạ xôn xao về hình ảnh và đoạn quay trực tiếp buổi chuyển nhượng 14 chậu lan quý của một đại gia “ngành lan” ở Hòa Bình. Trong buổi giao dịch có một số loài lan quý như 5 cánh trắng Pleiku, 5 cánh trắng cờ đỏ, 5 cánh trắng đại cát, thảo chi, hồng chương chi. Giá trị giao dịch của dàn lan quý này lên tới 200 tỷ đồng.
“Phong trào” lên mạnh. Cuối tháng 12 cũng ở năm 2020, một nữ “tay chơi” lan đột biến tại Hạ Long (Quảng Ninh) rao bán trên Facebook chậu lan Vĩnh Khang với giá 50 tỷ đồng. Số tiền thật “khủng bố” vì chỉ một chậu hoa lan thôi có thể đổi được 5 căn hộ chung cư cao cấp hạng nhất ở Thủ đô Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng, đó cũng chưa phải là chậu lan đắt nhất. Một người tên là Trương (ở Phú Thọ) phát giá trên mạng xã hội cho cây lan “Bướm Đại Ngàn” 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, 2 trường hợp kể trên chỉ là ra giá, thương vụ không hoàn tất. Còn thì một vụ mua bán lan đột biến được cho là đã thành công với giá lên tới 83 tỷ đồng. Đó là chậu lan được người bán đặt tên là Juliet, với độ dài chừng 20-30cm. Người mua và người bán đều ẩn danh.
Hình ảnh cho thấy chậu Juliet đẹp, cân đối. Song, nhiều ý kiến cho rằng, 83 tỷ đồng cho một chậu lan là mức giá không tưởng, điên rồ, không có thật vì đó chỉ là chiêu trò “đánh sóng” rồi thổi giá để hốt bạc. Khi “sóng lặng”, đương nhiên là đổ bể, nhiều người ôm mộng làm giàu bỗng chốc tán gia bại sản khi những “ông chủ” ôm núi tiền cao chạy xa bay. Thật đáng tiếc là chiêu trò này không mới nhưng rất nhiều người vẫn dính đòn. Ấy cũng chỉ bởi lòng tham, muốn nhanh chóng phất lên, đổi đời trong một thời gian rất ngắn. Nhưng ở đời, tự cổ chí kim, làm gì có chuyện hốt bạc dễ đến thế. Không chỉ với vụ lan đột biến, mà còn nhiều phi vụ khác lòng tham đã bị người khác nắm được, kích thích nó bùng cháy để rồi biết bao sự việc đau lòng xảy ra, kéo dài không có cơ hội khắc phục. Nói đúng ra, ở đây có cả lòng tham và sự lừa đảo.
Trở lại câu chuyện lan đột biến. Ông Trần Văn Cảnh, người từng 13 năm làm Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Phước, cho rằng dẫu hoa lan có lộng lẫy đến đâu đi chăng nữa nhưng một nhành lan đột biến cao hơn gang tay mà có giá vài tỷ đến hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng thì rất vô lý. Trong khi đó, nó vẫn từng giờ từng ngày làm nóng mạng xã hội cho dù thông tin về các cuộc giao dịch thường rất mập mờ, thông tin về người bán và người mua không được kiểm chứng. Giá trị hoa lan được định giá tự do là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng “thổi giá”, gây sự hấp dẫn giả tạo để dụ nhiều người tham gia. Mua đi bán lại nhiều lần, đến khi giá đạt đỉnh thì nhóm “thổi giá” không mua lại nữa. Hậu quả là người mua cuối cùng đã bỏ ra số tiền lớn nhưng không bán được cho ai.
Trong những vụ “đánh sóng”, “thổi giá”, địa phương không thể không biết, cơ quan chức năng không thể không biết. Nhưng do thiếu trách nhiệm họ đã thờ ơ đứng ngoài cuộc, không kiểm tra kiểm soát, cũng không ngăn chặn, để mặc những thương vụ cực vô lý diễn ra và chắc chắn sẽ đổ bể. Không thể lạnh lùng nói rằng những giao dịch đó là thuận mua vừa bán, là giao dịch dân sự nên không can thiệp. Đó chính là thói hành xử “sống chết mặc bay” cần phải lên án.
Khi xảy ra việc gì đó ầm ĩ, bất thường tại địa phương thì chính quyền, công an cần phải nhanh chóng vào cuộc. Rủi ro nhãn tiền chứ không phải là tiềm ẩn thì phải vào cuộc. Không hình sự hóa vấn đề nhưng đó là trách nhiệm: Trách nhiệm giữ gìn trật tự xã hội, trách nhiệm với người dân. Điều đó thì không thể thoái thác, mà “lan đột biến” chỉ là thêm một lần nữa báo động mà thôi.