Thứ Năm, 03/04/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, việc xây dựng một thị trường vốn linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ tiếp cận nguồn tài chính phù hợp là yếu tố then chốt.
Xu hướng đầu tư vào doanh nghiệp công nghệ
Trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ tạo động lực mà còn là chìa khóa để Việt Nam vươn mình phát triển. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 22/12/2024 đã khẳng định rõ: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là "đột phá ưu tiên hàng đầu" trong mô hình tăng trưởng mới của đất nước.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần một hệ thống tài chính mạnh mẽ, trong đó thị trường vốn đóng vai trò trung tâm - không chỉ cung cấp nguồn lực tài chính mà còn tạo niềm tin cho nhà đầu tư, giúp phát triển các doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước, phát triển trung tâm tài chính quốc tế và góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng hai con số.
Bà Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Quốc hội, khẳng định: Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật để hỗ trợ DN công nghệ tiếp cận thị trường vốn. Theo các chuyên gia, để DN công nghệ Việt Nam bứt phá, cần có những chính sách đột phá trong thị trường vốn. Các giải pháp như nới lỏng điều kiện IPO, xây dựng sàn giao dịch riêng cho DN công nghệ và thu hút nhân tài sẽ là những bước đi quan trọng giúp Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực.
Theo bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc SSI Asset Management: Việt Nam có triển vọng trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư nước ngoài vào công nghệ. So với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Singapore và Thái Lan, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh về khả năng thu hút đầu tư. Tuy nhiên để vượt lên các quốc gia này, cần lưu ý tới sự thay đổi trong khẩu vị đầu tư của các quỹ toàn cầu vào các thị trường mới nổi.
Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường công nghệ Việt Nam, nhưng họ gặp khó khăn khi tìm kiếm DN để đầu tư do rào cản về IPO và chiến lược thoái vốn. Thực tế, điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam yêu cầu DN phải có lợi nhuận liên tiếp 2 năm, điều này vô hình trung trở thành rào cản lớn đối với các startup công nghệ.
"Nhà đầu tư hiện vẫn còn quan ngại về các yếu tố rủi ro như cơ chế IPO và chiến lược thoái vốn. Họ mong đợi các chính sách để tạo dựng thị trường mang tính ổn định cao hơn, từ đó giúp họ hoạch định chiến lược và xây dựng mô hình kinh doanh vững chắc, dài hạn hơn"- bà Nguyễn Ngọc Anh nói.
Tháo rào cản về vốn
Theo phân tích các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc hay Singapore đều sở hữu thị trường vốn phát triển, giúp các start-up huy động vốn qua IPO, tạo ra những "kỳ lân" - các công ty được định giá trên 1 tỷ USD. Trong khi đó, dù hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam phát triển mạnh, nhưng số lượng "kỳ lân" vẫn còn hạn chế. Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có 4 kỳ lân công nghệ: VNG, MoMo, VNLife (VNPay) và Sky Mavis, đứng thứ ba Đông Nam Á sau Singapore và Indonesia.
Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) nhận định, hiện nay Việt Nam đã có một số công ty công nghệ có tiềm năng cạnh tranh trên trường quốc tế, song các DN này không thể lớn do gặp rào cản về huy động vốn để phát triển quy mô. Cụ thể, theo quy định của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 năm 2019, để thực hiện IPO trên sàn chứng khoán Việt Nam, DN cần bảo đảm có lợi nhuận trong 2 năm liên tiếp trước khi đăng ký IPO và không có lỗ lũy kế. Quy định này rất khó thực hiện đối với các DN khởi nghiệp công nghệ, bởi giai đoạn đầu tư ban đầu thường kèm theo thua lỗ tạm thời do chi phí đầu tư cao cho nghiên cứu và phát triển.
TS Trần Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) phân tích: Tất cả các hình thức huy động vốn cũng chỉ đáp ứng được một giai đoạn nhất định khi quy mô của DN start-up còn khiêm tốn. Trong quá trình phát triển, các start-up đều hướng đến việc huy động vốn từ công chúng (IPO) và coi đây là thước đo thành công và cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của start-up, trở thành một DN hoàn thiện đóng góp đầy đủ cho nền kinh tế - xã hội đất nước.
Vị chuyên gia này cho rằng: Việt Nam có thể học hỏi từ quốc tế. Theo đó, các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Singapore đã thiết lập những cơ chế linh hoạt hơn để hỗ trợ startup công nghệ IPO, giúp họ huy động vốn hiệu quả hơn.
"Cần cho phép DN công nghệ niêm yết mà không bị ràng buộc bởi điều kiện “không lỗ lũy kế”, đặc biệt là trên các sàn như HOSE, HNX hoặc Trung tâm Tài chính quốc tế"- TS Trần Văn đề xuất.
Ông Il-Dong Kwon, Giám đốc điều hành Boston Consulting Group Việt Nam, nhấn mạnh rằng Việt Nam có lực lượng kỹ sư tài năng, dân số trẻ am hiểu công nghệ và tốc độ chuyển đổi số nhanh. Các lĩnh vực tiềm năng như fintech, thương mại điện tử, AI, blockchain cần được hỗ trợ tiếp cận vốn để phát triển.
Việc tháo gỡ rào cản huy động vốn không chỉ giúp DN công nghệ Việt Nam bứt phá mà còn đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ số của khu vực, đúng với mục tiêu mà Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đề ra.