Gần đi hết 2/3 năm kinh tế 2020, nhưng vốn đầu tư công mới chỉ giải ngân chừng 45%. Có tới 11 bộ, ngành giải ngân vốn công dưới 10%. Cùng với đó nhiều địa phương xin trả lại vốn đầu tư công. Hiện trạng đang cho thấy giải ngân vốn đầu tư công vẫn ách tắc.
Nhiều nơi xin trả lại
Tin từ Bộ KHĐT cho biết, 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương đã có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác.
Tổng số vốn điều chuyển của 18 đơn vị này là 6.338,054 tỷ đồng (trong đó, vốn trong nước là 341,6 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 5.996,454 tỷ đồng).
Lý giải, một số địa phương cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều dự án, cũng như công trình lớn bị đình trệ dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công bị ảnh hưởng.
Chẳng hạn tại tỉnh Bắc Kạn, lãnh đạo của tỉnh này cho biết, việc giải ngân nguồn vốn ODA trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Tổng số kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương năm 2019 giao bổ sung là 176,246 tỷ đồng. Nguồn vốn được giao quá muộn (ngày 31/12/2019) nên chưa thể giải ngân được do vướng mắc về hạch toán chuyển nguồn, không thể làm thủ tục giải ngân được nguồn vốn.
Bên cạnh đó, nguồn vốn ODA năm 2020 của tỉnh được giao rất lớn (bằng 45% kế hoạch vốn của cả giai đoạn 2016-2020), nên không có khả năng giải ngân kế hoạch vốn bổ sung năm 2019. Do đó, tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ KHĐT, Bộ Tài chính rà soát, thu hồi số kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương bổ sung năm 2019 nêu trên, tránh trường hợp địa phương được giao kế hoạch vốn nhưng không thể giải ngân do vướng mắc về thủ tục.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Du nói, việc giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn đạt thấp do giao cho các xã làm chủ đầu tư, năng lực chưa đáp ứng được. Các dự án này nhỏ, có khối lượng hoàn thành cũng chưa muốn thanh toán ngay, nên giải ngân đạt thấp.
Còn tại tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo tỉnh này cho biết một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra như vốn nước ngoài (ODA), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2020. Lý do giải ngân chậm là do các dự án sử dụng vốn ODA có quy trình giải ngân vốn nước ngoài phức tạp, gồm nhiều khâu, nhiều bước nên các dự án thường giải ngân vào cuối năm khi khối lượng thực hiện đạt nhiều và tập hợp để giải ngân tập trung cho nhiều gói thầu thuộc dự án. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ kéo dài sang năm 2020 gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, không bàn giao được mặt bằng cho nhà thầu thi công nên không có khối lượng nghiệm thu để giải ngân vốn thanh toán.
Bắc Kạn và Ninh Bình là hai địa phương được đánh giá tốt trong giải ngân vốn đầu tư công nhưng vẫn còn kêu khó như vậy. Nhiều địa phương khác rất ì ạch trong giải ngân vốn.
Báo cáo của Bộ Tài chính thống kê, ước đến hết tháng 8/2020 cả nước giải ngân hơn 261.437,8 tỷ đồng, đạt 41,48% kế hoạch.
Nhiều địa phương giải ngân vốn ngân sách Trung ương dưới mức bình quân chung như: Tuyên Quang là 961,831 tỷ đồng (đạt 39% kế hoạch), Thái Nguyên là 399,399 tỷ đồng (đạt 35% kế hoạch), Bắc Giang là 457,241 tỷ đồng (đạt 28,9% kế hoạch), Hòa Bình là 600,43 tỷ đồng (đạt 28,7% kế hoạch), Hải Dương là 271,745 tỷ đồng (đạt 30,5% kế hoạch), Đồng Nai là 11,871 tỷ đồng (đạt 0,17% kế hoạch).
Thúc đẩy tiến độ
Theo ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), do việc giải ngân song song kế hoạch vốn 2019 và kế hoạch vốn 2020 đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân. Kế hoạch vốn năm 2019 được giao làm nhiều lần và chậm, do đó trong năm 2019 mới chỉ giải ngân được 32,5% kế hoạch vốn; sang năm 2020, bên cạnh việc thực hiện giải ngân theo kế hoạch vốn 2020, trong những tháng đầu năm 2019, các bộ, địa phương còn tập trung giải ngân tiếp dự toán đã được giao của năm 2019 và phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn. Điều này cũng khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công chậm...
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ này. Bộ Tài chính cũng đã đẩy mạnh hiện đại hóa việc quản lý đơn rút vốn; xây dựng Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ…
Theo quan điểm của giới chuyên gia, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu giải ngân được, khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế hồi phục rất nhanh.