Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 7 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn giải ngân cũng tăng 0,8% so cùng kỳ.
Vốn đầu tư mới tăng mạnh
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, tính đến ngày 20/7/2023, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ, tăng 8,8 điểm phần trăm so với 6 tháng.
Trong số này, ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong 7 tháng qua, có 1.627 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD, tăng75,5% về số dự án và tăng 38,6% về số vốn so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt gần 4,16 tỷ USD, tăng 27,1% về số dự án và giảm 42,5% về số vốn so với cùng kỳ.
Ngoài ra, có 1.627 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp là 4,14 tỷ USD, giảm 10,6% về số lượt nhưng tăng 60,7% về số vốn so với cùng kỳ.
Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài 7 tháng qua, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, điểm tích cực là vốn thực hiện ước đạt 11,58 tỷ USD trong 7 tháng, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Thêm vào đó, điểm đáng chú ý là lần đầu tiên trong năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký đã tăng so với cùng kỳ (tăng 4,5%) sau khi giảm liên tục trong 6 tháng.
Trong đó, tính riêng trong tháng 7/2023, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 6/2023, tăng 41,9% so với tháng 5/2023 và tăng 85,7% so với cùng kỳ tháng 7/2022.
Về vốn đầu tư điều chỉnh, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, mức tăng vốn đầu tư mới so với cùng kỳ tiếp tục tăng mạnh hơn so với so với các tháng đầu năm. Số dự án đầu tư mới cũng tăng mạnh so với cùng kỳ.
Thậm chí, tốc độ tăng số dự án mới lớn gần gấp 2 lần tốc độ tăng tổng vốn đầu tư. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ và vừa tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới.
Các đối tác truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn
Xét về đối tác, thì các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống, như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 78,2% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 7 tháng.
Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới 69,4% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm 2,7% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 7 tháng. Trong khi đó, các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Trong 7 tháng đầu năm, theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư điều chỉnh tuy vẫn giảm so với cùng kỳ (giảm 42,5%) song mức giảm đang có xu hướng cải thiện hơn theo từng tháng so với các tháng đầu năm.
Cụ thể, vốn đầu tư điều chỉnh 7 tháng đầu năm giảm 42,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức giảm 57,1% trong 6 tháng, mức giảm 59,4% trong 5 tháng, mức giảm 68,6% trong 4 tháng, mức giảm 70,3% trong 3 tháng và mức giảm 85,2% trong 2 tháng đầu năm 2023
Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ và điều này đã một lần nữa khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Chính vì tin tưởng, họ đã tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai.