Mặc dù thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu trầm lắng, nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản vẫn tăng trưởng lạc quan, tiếp tục duy trì ở vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư lên tới trên 3,15 tỷ USD.
Thị trường bất động sản những năm gần đây liên tục tạo sóng khi giá nhà, đất không ngừng “leo thang”, kể cả sau thời điểm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), giá nhà đất ở nhiều nơi tăng nóng, nhất là đất nền tại các khu vực sắp lên quận, hay khu vực có thông tin về quy hoạch dự án đi qua.
Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại, nhưng giá nhà đất vẫn neo ở mức cao. Báo cáo thị trường tháng 5 của Batdongsan.com.vn chỉ ra, lượng nhà, đất bán trong tháng 5 giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Giao dịch mua bán loại hình đất có dấu hiệu chững lại, chỉ tạo sóng nhẹ ở các khu vực đường vành đai hoặc một số khu vực có thông tin về dự án quy hoạch.
Mặc dù thị trường bất động sản trong nước trầm lắng, nhưng theo ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn đầu tư - Savills Hà Nội, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư Việt Nam, cụ thể là lĩnh vực bất động sản - ngành kinh tế mũi nhọn với sức tăng trưởng ổn định và bền vững. Điều đó cho thấy, thị trường bất động sản vẫn hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài.
Đáng chú ý, 2/3 doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn; đặc biệt, bất động sản công nghiệp đang trở thành kênh thu hút vốn mạnh mẽ.
Nhận định về vấn đề này, Tổng giám đốc công ty Cushman & Wakefield Việt Nam Trang Bùi cho biết, một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư khi rót tiền vào thị trường Việt Nam đó là đồng Việt Nam (VND) ổn định so với các đồng ngoại tệ khác như của Thái Lan, Indonesia... Bên cạnh đó, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại (FTA), đẩy mạnh xuất khẩu cũng giúp Việt Nan trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất.
Một số ý kiến chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện nay, không chỉ bất động sản công nghiệp mà cả các phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… cũng đang thu hút các nhà đầu tư ngoại.
Dự báo, dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới sẽ còn lớn hơn nữa bởi các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam – một thị trường lớn mạnh với lượng lao động trẻ, năng động, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao.
Ngoài ra, đại diện Savills cũng cho biết việc số lượng khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng, đi kèm với quá trình đô thị hóa nhanh tại các thành phố lớn sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam.
Nên dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc mà các nhà đầu tư thông minh có thể tìm kiếm cơ hội để gia nhập vào thị trường, đặc biệt là ở Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết…
Ngoài ra, sự xuất hiện của phân khúc bất động sản chăm sóc sức khỏe, loại hình còn rất mới mẻ tại Việt Nam cũng sẽ là một cơ hội lớn cho những nhà đầu tư có tầm nhìn và khả năng nắm bắt cơ hội. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt tới bất động sản nhà ở và văn phòng.
Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản cho biết, trong quý I/2022, tổng lượng giao dịch bất động sản là 20.325 giao dịch, nguồn cung bất động sản có 10.357 căn nhà ở đủ điều kiện đưa vào giao dịch. Qua đánh giá cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường trong quý I đã tốt hơn.
“Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có vị thế tốt để thu hút FDI vào ngành kinh doanh bất động sản” - đại diện Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản cho biết.