Ngày 17/8, ngày thứ 2 của 7 ngày áp dụng “ai ở đâu, ở đó”, hệ thống y tế của Đà Nẵng được huy động tối đa để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho trên 39.500 người đại diện hộ gia đình của 56 phường, xã và nhiều lao động tại các doanh nghiệp được phép duy trì hoạt động với phương án “3 tại chỗ”. Trước đó, ngày 5/8, Đà Nẵng đã thí điểm cách ly F1 tại nhà qua phần mềm công nghệ vòng đeo tay thông minh, bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực.
Từ ngày 5/8, TP Đà Nẵng thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà qua phần mềm công nghệ (vòng đeo tay thông minh). Chiều 17/8, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, một số F1 đang sử dụng vòng đeo tay thông minh để cách ly tại nhà cho biết, họ cảm thấy rất thoải ái, yên tâm, “không muốn rời chiếc vòng” dù đã hết thời hạn cách ly y tế 7 ngày theo quy định.
Vòng đeo tay điện tử là một phương tiện thông minh đã được nhiều nước và vùng lãnh thổ sử dụng để theo dõi, quản người cách ly Covid-19 tại nhà và những người vi phạm quy định cách ly.
Từ ngày 19/3 năm nay, Hong Kong (Trung Quốc) đã sử dụng vòng đeo tay điện tử đối với tất cả khách nhập cảnh vào vùng lãnh thổ. Hành khách sẽ được gắn một vòng tay có gắn định vị, giúp chính quyền kiểm soát việc tự cách ly tại nhà của họ sau khi nhập cảnh.
Trước đó, ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát hồi đầu tháng 4/2020, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã quyết định sử dụng vòng đeo tay điện tử đối với những cá nhân vi phạm các quy định tự cách ly, như đi ra ngoài mà không báo trước, không trả lời các cuộc gọi điện thoại kiểm tra sức khỏe. Trường hợp từ chối đeo vòng sẽ bị đưa đến các khu cách ly tập trung.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết, quyết định trên được đưa ra sau khi đã lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia kiểm dịch và thu thập ý kiến từ các cộng đồng khác nhau của đất nước. 80% trong tổng số 1.000 người trưởng thành được hỏi ủng hộ sử dụng biện pháp này. Vòng tay điện tử sẽ theo dõi chuyển động của người tự cách ly thông qua điện thoại di động của họ. Chính phủ Hàn Quốc cùng lúc sử dụng một ứng dụng trên điện thoại di động để giám sát người tự cách ly.
Mai Phương
Phát hiện ngay F1 có thân nhiệt lên cao
Nói về tiện ích của vòng đeo tay thông minh trong quản lý các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 (F1) tại nhà, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Đà Nẵng cho biết: Hiện nay, vòng đeo tay thông minh hỗ trợ cách ly người liên quan đến Covid-19 chưa có trên thị trường. Vòng đeo tay thông minh (G-Track phiên bản GPS) quản lý F1 tại nhà, vừa được Sở này cung cấp cho hệ thống y tế của địa phương (chủ yếu là ở quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang) để thực hiện thí điểm từ ngày 5/8 đến nay là do một doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Theo đó mỗi F1 cách ly tại nhà sẽ được đeo một chiếc vòng trên cổ tay (tương tự như chiếc đồng hồ). Từ thông tin (họ, tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ cách ly tại nhà, số điện thoại, CMND/CCCD) do địa phương cung cấp); Sở TT&TT, Sở Y tế TP dễ dàng nắm bắt di biến động của F1 đang được cách ly tại nhà. Sau khi được cấp tài khoản quản lý, đại diện phường, xã và các cơ quan khác có thể đăng nhập vào phần mềm (phiên bản web hoặc ứng dụng G-Zone cho điện thoại sủ dụng Android) để theo dõi vị trí của người được cách ly, nhận cảnh báo về các trường hợp đi ra khỏi vị trí cách ly (ra khỏi nhà hoặc lên, xuống tầng); nhận cảnh báo khi vòng tay bị tháo hoặc tắt; theo dõi biểu đồ nhiệt của người đeo, đặc biệt là nhận cảnh báo ngay khi người đeo vòng có thân nhiệt lên cao.
Quá trình cách ly tại nhà theo quy định, F1 phải đeo vòng tay thông minh 24/7; cho phép ứng dụng luôn truy cập vị trí của thiết bị (chọn chế độ Luôn luôn/Always) và camera; khai báo y tế đúng theo khung giờ quy định (vào 8h, 16h, 21h hoặc trước khi đi ngủ); đảm bảo điện thoại di động không hết pin và trong tầm theo dõi của người được cách ly; phản hồi ngay khi nhận được tin nhắn SMS/Zalo kiểm tra đột xuất.
Sau khi được cấp tài khoản quản lý, đại diện phường, xã và các cơ quan khác có thể đăng nhập vào phần mềm (https://quanlycachly.danang.gov.vn) để quản lý, giám sát F1 được cách ly tại nhà. Đại diện phường, xã cũng có thể kiểm tra đột xuất F1 cách ly tại nhà bằng cách gửi tin nhắn yêu cầu checkin trên phần mềm (người nhận tin nhắn sẽ phản hồi bằng cách gửi hình chụp khuôn mặt tức thời và vị trí của điện thoại, không thể sử dụng hình ảnh có sẵn trên điện thoại để gửi).
Yên tâm với vòng đeo tay thông minh
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết chiều 17/8, BS Võ Thu Tùng, Chánh Văn phòng Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, TP này triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà qua phần mềm công nghệ vòng đeo tay thông minh từ ngày 5/8 trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Đến nay đã thí điểm được 24 trường hợp. 14 trường hợp đã hoàn thành cách ly, chuyển sang tự theo dõi 14 ngày. Hiện đang có 10 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà. Theo BS Võ Thu Tùng, vòng đeo tay thông minh (áp dụng cho F1 cách ly tại nhà) đang ở giai đoạn thử nghiệm. Số lượng F1 cách ly tại nhà chưa nhiều nên chưa thế đánh giá được hiệu quả.
Chiều cùng ngày, phóng viên đã kết nối điện thoại với các F1 hoàn thành cách ly tại nhà (trong đó có 3 F1 cùng trong 1 gia đình ở Tổ 4 Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) và nhận được phản hồi tích cực rằng họ cảm thấy thoải mái, yên tâm với chiếc vòng. Một số F1 tại Hòa Châu, Hòa Sơn, Hòa Liên (huyện Hòa Vang), Hòa Quý, Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) nói rằng dù đã hoàn thành số ngày cách ly tại nhà theo quy định nhưng họ đang đề nghị chính quyền và cơ quan chức năng gia hạn sử dụng chiếc vòng đeo tay thông minh để tự theo dõi sức khỏe.
Thông tin từ Sở TT&TT TP Đà Nẵng chiều 17/8 cũng cho biết, đến thời điểm này, Sở mới chỉ cung cấp được 40 vòng đeo tay thông minh cho các quận, huyện của TP. Số lượng vòng đeo tay thông minh còn hạn chế nên sau khi thu hồi của F1 cách ly trước mới có thể cung cấp cho các F1 mới đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Đà Nẵng: Từ ngày 10/7 đến ngày 16/8, TP này có 1.875 ca mắc Covid-19. Ngày 16/8, Đà Nẵng có 96 ca mắc Covid-19 mới (cao nhất so với gần 40 ngày trước đó). Các ca lây nhiễm mới chủ yếu từ khu vực phong tỏa quận Sơn Trà và chợ đầu mối Hòa Cường.
GS. TS Nguyễn Anh Trí, ĐBQH Khóa XV: Cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào phòng, chống dịch Covid-19
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết TP Đà Nẵng đã triển khai thí điểm vòng đeo tay thông minh nhằm mục đích quản lý người F1 trong quá trình cách ly. Tôi nhận thấy đây là việc rất tốt, bởi một trong những việc quan trọng nhất để phòng chống dịch Covid-19 là quản lý thật tốt sự lây lan của dịch bệnh. Tôi hy vọng mô hình này sẽ nhanh chóng được nhân rộng trong các địa phương khác trên cả nước. Mô hình này sẽ tiết kiệm được rất nhiều về công sức, tiết kiệm được chi phí xét nghiệm bù và đặc biệt là nâng cao được ý thức trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện việc cách ly của người F1.
Như chúng ta đã biết, công thức căn bản nhất trong cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam gần 2 năm qua là 5K + vaccine. Hiện nay, đã đến lúc cần có thêm sự tham gia của công nghệ vào công tác chống dịch. Không chỉ với mô hình vòng đeo tay thông minh này, mà cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào mọi mặt, như trong việc sàng lọc, điều trị, quản lý, tổ chức thậm chí về những vấn đề an sinh xã hội khác nữa. Nếu không có công nghệ, rất nhiều điều thiếu sót có thể bị bỏ qua, và cả những tốn kém về sức người, sức của.
Tuy nhiên, đối với việc Đà Nẵng triển khai vòng đeo tay thông minh quản lý người F1, cũng cần tuyên truyền, hướng dẫn để những người được cấp vòng đeo tay thông minh thực hiện nghiêm túc, cần phổ biến để nâng cao ý thức của người dân. Đặc biệt, vấn đề bảo mật cá nhân cần phải hết sức lưu ý khi triển khai mô hình vòng đeo tay thông minh này.
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, ĐBQH Khóa XV, Giám đốc BV Trung ương Thái Nguyên: Cần có luật để kiểm soát người đeo vòng F1
Việc Đà Nẵng triển khai thí điểm vòng tay thông minh quản lý người F1 là một trong những ứng dụng của công nghệ vào công tác phòng chống dịch, đây là sáng kiến nên thử nghiệm để góp phần kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, cần có luật để điều chỉnh trong trường hợp người dân không chấp hành, tự ý tháo vòng tay hoặc mặc dù đeo nhưng cố ý che đậy. Bên cạnh đó là tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao ý thức phòng chống dịch cho những người được cấp vòng tay thông minh.
Trong giai đoạn hiện nay, với sự lây lan rất nhanh của chủng mới Delta, thì việc cần có luật áp dụng chặt chẽ vào quản lý những người đeo vòng tay thông minh là rất cần thiết. Bởi lẽ, tâm lý chủ quan có thể xuất hiện ở cả người theo dõi và người đeo vòng tay. Chỉ một chút lơ là có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng về lây lan dịch bệnh, có thể dẫn tới “lợi bất cập hại”.
Tôi cho rằng, tại những địa phương còn ít ca F0, ít trường hợp F1 thì phương thức cách ly tập trung truyền thống vẫn cần được áp dụng để quản lý F1 thật cẩn thận. Ngược lại, tại những địa phương đã có dịch bệnh bùng phát thì mô hình vòng tay thông minh có thể phát huy rất hiệu quả để theo dõi, quản lý nguồn lây bệnh.
Đức Trân