Văn hóa

"Vọng khúc Ca trù"- khởi sắc sức sống âm nhạc truyền thống đất Hà Thành

Trần Diệp 15/04/2024 08:52

Hơn 15 năm sau khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, di sản ca trù tại Hà Nội đã có nhiều khởi sắc.

Hướng tới bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc, sự kiện “Vọng khúc ca trù” vừa diễn ra tối 14/4 tại Hội quán Phúc Kiến (số 40 Lãn Ông, Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được đông đảo bạn trẻ trong và ngoài nước hưởng ứng tích cực.

Khởi sắc thanh âm ca trù

Hà Nội được coi là trung tâm ca trù lớn nhất của cả nước. Từ khi ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, thành phố hiện nay đã khởi sắc trong việc hồi sinh cho loại hình nghệ thuật này. Lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng và thành phố đang định hình là địa phương chuẩn mực về hát ca trù.

z5348229639907_05b8f94a7fa34d6562c71305f015451a.jpg
Ca nương Đinh Thị Vân thể hiện những nhạc phẩm ca trù.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều quận, huyện đều hỗ trợ một phần kinh phí cho các câu lạc bộ và nghệ nhân truyền dạy ca trù cho lớp trẻ. Trong những ngày lễ lớn và các sự kiện văn hóa, ngành Văn hóa luôn thúc đẩy nghệ thuật ca trù cùng các loại hình nghệ thuật dân gian khác, đưa vào biểu diễn và giới thiệu tới công chúng.

Bên cạnh đó, nhiều sự kiện văn hóa của thành phố và các sự kiện văn hóa do các tổ chức tư nhân tổ chức đã đưa ca trù vào biểu diễn. Điều đó cho thấy, những thay đổi nhất định về nhận thức của cộng đồng, ý nghĩa của di sản trong giai đoạn hiện nay.

z5350476429891_7b4c2ed3239aea993343d6de68777f41.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu phát biểu trong Talkshow: “Tinh hoa văn hóa ca trù”.

Nói về vấn đề bảo tồn nghệ thuật ca trù, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Mậu cho biết: "Câu chuyện bảo tồn đã đặt ra từ lâu rồi, từ hồi đổi mới đã có một số câu lạc bộ thơ được hình thành. Nhiều người nghĩ đến đưa ca trù vào nhà trường, nhưng có người lại cho rằng đưa ca trù vào nhà trường là áp đặt. Việc đưa ca trù vào nhà trường gặp khó do không gian sinh hoạt của ca trù là của nhóm tri thức tìm nhau trong cuộc chơi thú vui thanh sắc.

Muốn bảo tồn nghệ thuật ca trù, các nơi có truyền thống ca trù như Lỗ Khuê, Cổ Đại nên tạo điều kiện cho họ nuôi dưỡng các thế hệ sống bằng niềm vui của văn nghệ. Từ đó, mới nuôi dưỡng được nghệ thuật ca trù".

Người trẻ tìm về thanh âm ca trù

“Vọng khúc Ca trù” đã diễn ra vào ngày 14/4 vừa qua. Đây là sự kiện do nhóm Việt Hoả Ca tổ chức, đem đến cho khán giả một đêm diễn thỏa mãn về cả thính giác lẫn thị giác. Tại đây, khán giả đã được tham gia vào hành trình ngược dòng thời gian, khám phá những giá trị văn hóa độc đáo của ca trù.

Ca nương Đinh Thị Vân biểu diễn nhạc phẩm ca trù “ Đào Hồng Đào Tuyết”
Ca nương Đinh Thị Vân biểu diễn nhạc phẩm ca trù “Đào Hồng Đào Tuyết”.

Không gian đậm chất cổ xưa và những điệu hát ca trù tưởng chừng đã đi vào quên lãng được thể hiện qua phần trình diễn của các ca nương chuyên nghiệp, cùng lễ mở xiêm y truyền thống - một nét đặc sắc riêng chỉ ca trù mới có.

Công chúng trẻ được tìm hiểu tổng quan về nghệ thuật ca trù, thưởng thức những bản hòa tấu kinh điển, hiếm khi được lựa chọn biểu diễn rộng rãi với sự thể hiện của các ca nương ưu tú như: Ca nương Nguyễn Thúy Hòa, ca nương Đinh Thị Vân và ca nương Nguyễn Thu Thảo. Khán giả hiểu được giá trị cốt lõi của ca trù, ý nghĩa của những nhạc cụ như đàn đáy, bộ phách, trống chầu. Và đặc biệt với câu chuyện về nghi lễ mở “Xiêm Y” của các giáo phường ca trù qua lời chia sẻ từ chính các đào nương.

Talkshow: “Tinh hoa văn hóa ca trù” cùng sự tham của các diễn giả: Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và đào nương với sự dẫn dắt của MC, BTV Trịnh Lê Anh.
Talkshow: “Tinh hoa văn hóa ca trù” cùng sự tham của các diễn giả: Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và đào nương với sự dẫn dắt của MC, BTV Trịnh Lê Anh.

Người xem còn có cơ hội thể hiện khả năng văn thơ của bản thân, các ca nương sẽ biến những vần thơ thành lời hát đầy trữ tình. Hơn thế nữa, văn hóa thưởng “Thướng Đầu” (thẻ tre) cũng được tái hiện phỏng theo văn hoá truyền thống tại phủ quan xưa.

Bạn Quỳnh Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “ Mình biết tới chương trình Vọng khúc ca trù trong một lần lướt web. Thực ra bản thân mình trước đây không biết nhiều về ca trù. Chỉ biết đó là di sản văn hoá của dân tộc. Đến với chương trình này, mình cảm thấy ca trù rất thú vị và những người trẻ như mình được tiếp xúc với ca trù nhiều hơn”.

Hay Alex, một bạn trẻ du khách nước ngoài bộc bạch: “Dù nghe bài ca chẳng hiểu tiếng, hiểu nghĩa. Nhưng tôi rất vui vì được trải nghiệm một di sản văn hoá của người Việt”.

Nói về việc bảo tồn và đưa di sản ca trù gần hơn với giới trẻ, nghệ nhân ưu tú Thuý Hoà cho rằng: “Quan điểm của tôi để bảo tồn ca trù, không cần số lượng quá nhiều. Mỗi một làng chỉ nên có một điểm thôi, không cần quá nhiều người hát, kết hợp giữa nhạc đương đại của giới trẻ với ca trù nhưng vẫn phải mang lại sự đặc trưng truyền thống của ca trù.

Ngoài ra, vẫn phải giữ được mái đình, không gian cửa đình, đầu tư vào những điểm đó để cho những ca nương được sống bằng chính nghề, không phải làm những nghề khác thì dứt khoát là sẽ bảo tồn nghệ thuật ca trù thành công".

z5350476432996_f2d44fe312ec46e50a4d0927a96b8f24.jpg
Sự kiện “Vọng khúc ca trù” được nhiều khán giả quan tâm.

Có thể thấy “Vọng khúc ca trù” đã gây được tiếng vang trong công chúng thị hiếu, giúp loại hình âm nhạc truyền thống này đến gần hơn với giới trẻ hiện nay. Với sự hồi sinh mạnh mẽ ấy, hi vọng người trẻ tương lai sẽ sớm đưa ca trù ra khỏi danh mục cần bảo vệ khẩn cấp theo khuyến cáo của UNESCO để có thể phát triển vững bền, làm rạng danh thêm cho nền âm nhạc của quốc gia, dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Vọng khúc Ca trù"- khởi sắc sức sống âm nhạc truyền thống đất Hà Thành