Pháp luật

Vụ án Công ty Xuyên Việt Oil: Loạt quan chức hầu tòa vì nhận hối lộ

LÊ ANH 20/11/2024 09:17

Nhận hàng chục tỷ đồng tiền mặt, xe sang, đồng hồ đắt tiền... từ “bà trùm” xăng dầu, loạt quan chức, cán bộ của Bộ Công thương và cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị cáo buộc tội “nhận hối lộ”, phải hầu tòa sơ thẩm tại phiên xét xử công khai.

Anh bai tren
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh và các bị cáo là cựu quan chức có liên quan trong vụ án. Ảnh: BCA.

Hôm nay (20/11), Tòa án nhân dân TPHCM đưa vụ án tiêu cực xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) và một số cơ quan, tổ chức liên quan ra xét xử sơ thẩm. Phiên tòa do Thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa, dự kiến xét xử sơ thẩm kéo dài từ ngày 20/11 đến ngày 5/12. Ngoài 15 bị cáo, Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng triệu tập hơn 90 người tham gia phiên tòa, với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979) là người đại diện pháp luật, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV của Công ty Xuyên Việt Oil. Trong quá trình kinh doanh xăng dầu, Hạnh đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng quỹ bình ổn giá và tiền thuế, gây thất thoát 1.463 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng thất thoát từ quỹ bình ổn giá là 219 tỷ đồng, còn lại là thất thoát từ tiền thuế hơn 1.244 tỷ đồng. Đáng chú ý, cựu Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil bị cáo buộc hành vi “đưa hối lộ” cho một loạt quan chức để được “tạo điều kiện” trong kinh doanh xăng dầu. Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2022, để được “ưu ái’ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Hạnh đã hối lộ tổng cộng số tiền hơn 31,5 tỷ đồng cho nhiều quan chức.

Hạnh đã “nhờ” bị cáo Nguyễn Lộc An - cựu Vụ Phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) kết nối với bị cáo Đỗ Thắng Hải - cựu Thứ trưởng Bộ Công thương nhằm giúp cấp lại giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil. Bởi vì trước đó, công ty này được cơ quan chức năng xác định không đủ điều kiện để được cấp lại giấy phép. Việc dùng tiền để “bôi trơn” của cựu Giám đốc Xuyên Việt Oil đã nhận được “gật đầu” từ các quan chức Bộ Công thương.

Cụ thể, bị cáo Đỗ Thắng Hải đã chỉ đạo thuộc cấp tại Bộ Công thương là bị cáo Hoàng Anh Tuấn - cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) xem xét, nhằm “tạo điều kiện” giải quyết hồ sơ cho công ty của Hạnh. Sau đó, Tuấn báo cáo lại lãnh đạo là bị cáo Trần Duy Đông - cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) và được thống nhất sẽ “tạo điều kiện” cho Công ty Xuyên Việt Oil.

Ngày 17/6/2021, Hạnh đã chỉ đạo Nguyễn Văn Thắng - cựu Phó Giám đốc chi nhánh của Công ty Xuyên Việt Oil mang 5.000 USD đến đưa cho Tuấn. Tuy nhiên, do hồ sơ thiếu nhiều tiêu chuẩn, nhất là điều kiện về cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận xăng dầu, hệ thống phân phối theo quy định, Hạnh lại nhận được công văn thông báo về việc chưa chấp thuận cấp lại giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil. Để “bôi trơn” thêm, cựu Giám đốc Xuyên Việt Oil tiếp tục liên lạc với Tuấn để nhờ giúp đỡ. Qua trao đổi, Hạnh hứa sẽ gửi thêm chi phí để được cấp phép với số tiền là 300.000 USD. Sau đó Hạnh đã chỉ đạo Thắng mang 300.000 USD để hối lộ cho các bị cáo Tuấn và Đông.

Quá trình kinh doanh xăng dầu tại tỉnh Bến Tre, Mai Thị Hồng Hạnh còn móc nối, làm quen với Lê Đức Thọ - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Theo hồ sơ vụ án, Hạnh quen biết với Thọ từ khi ông này đang là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Vietinbank. Tháng 7/2021, Lê Đức Thọ được điều động giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Trong giai đoạn này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến tre đã nhiều lần đề nghị Hạnh thành lập chi nhánh hoặc công ty con của Xuyên Việt Oil tại tỉnh Bến Tre.

Được bật “đèn xanh”, tháng 12/2021, Hạnh đã cho thành lập Công ty Việt Oil, đăng ký kinh doanh tại tỉnh Bến Tre. Sau khi thành lập công ty tại đây, Hạnh “gợi ý” Thọ tạo chính sách ưu đãi và các điều kiện thuận lợi cho công ty của mình được vay vốn ngân hàng. Nhận lời giúp đỡ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã nhiều lần gọi điện cho Nguyễn Thanh Trường - cựu Giám đốc Vietinbank - Chi nhánh Bến Tre yêu cầu liên hệ với Hạnh để tìm hiểu nhu cầu vay vốn, hỗ trợ giải quyết nhanh về hồ sơ, thủ tục cho công ty của bị cáo này.

Theo cáo buộc, Lê Đức Thọ còn tác động đến Nguyễn Thanh Trường cho công ty của Hạnh được vay vốn với hạn mức tín dụng lên đến 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay được áp dụng tới 40%. Nhờ đó, ngày 3/3/2022, Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Bến Tre đã hoàn tất hợp đồng cho Công ty Xuyên Việt Oil vay. Sau đó, ngân hàng này đã giải ngân vốn vay nhiều lần, với tổng số tiền hơn 892 tỷ đồng. Nhờ được tạo điều kiện thuận lợi, Hạnh đã “mạnh tay” tặng cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bộ gậy golf cao cấp trị giá 1,1 tỷ đồng và chiếc đồng hồ hạng sang trị giá 421.000 USD.

Theo kết quả điều tra, đến cuối tháng 3/2022, Hạnh đưa tiếp cho Thọ số tiền 200.000 USD. Đến tháng 5/2022, tiếp tục mua tặng Thọ một chiếc siêu xe trị giá hơn 6,6 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cũng xác định, “bà trùm” xăng dầu còn nhiều lần gửi tặng tiền, quà chúc mừng sinh nhật và các dịp kỷ niệm, với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Hạnh không chỉ đưa hối lộ cho cựu quan chức tại Bộ Công thương và Tỉnh ủy Bến Tre, mà còn bị cáo buộc hành vi “đưa hối lộ” cho hàng loạt quan chức khác, trong đó có bị cáo Lê Duy Minh - cựu Cục trưởng Cục Thuế TPHCM.

Với nhiều hành vi tiêu cực, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh bị truy tố về các tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “đưa hối lộ”. Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị truy tố về các tội “nhận hối lộ” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Nhiều cựu quan chức tại Bộ Công thương và Cục Thuế TPHCM bị truy tố về tội “nhận hối lộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ án Công ty Xuyên Việt Oil: Loạt quan chức hầu tòa vì nhận hối lộ