Ngày 8/12, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, Chủ tịch Công ty CP Địa ốc Alibaba) cùng 22 đồng phạm về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền”.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) bắt đầu từ ngày 8/12/2022 đến ngày 6/1/2023 (làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật).
Hội đồng xét xử (HĐXX) đã triệu tập số lượng người tham gia tố tụng ở mức kỷ lục với gần 4.500 người, trong đó có 3.980 bị hại, hơn 40 luật sư bào chữa và 100 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Để đảm bảo đủ số chỗ ngồi cho các bị hại, Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM đã tách ra 4 nhóm bị hại để tiến hành xét hỏi.
Cụ thể, đối với nhóm bị hại tại 8 dự án, gồm Alibaba Phước Bình Central Park; Alibaba Phước Bình Central Park 2; Alibaba Phước Thái Capital; Alibaba Long Phước Industry; Alibaba Phú Mỹ Central City được triệu tập đến tòa từ 13/12-15/12 để tham gia xét hỏi. Nhóm bị hại tại 9 dự án (đa số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu) sẽ tham gia xét hỏi từ ngày 15/12 đến 17/12. Đối với nhóm bị hại tại 25 dự án ở Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến sẽ xét hỏi từ ngày 17/12 đến 19/12. Nhóm bị hại tại 13 dự án ở các địa phương khác sẽ tham gia xét hỏi từ ngày 19/12 đến 21/12.
Theo TAND TPHCM, việc sắp xếp xét hỏi thành từng nhóm bị hại sẽ giúp giải quyết vấn đề số lượng lớn bị hại tham gia tố tụng trong vụ án, đồng thời đảm bảo tính khách quan, xét xử nghiêm minh các sai phạm về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền” trong vụ án này.
Trong ngày 8/12, HĐXX sơ thẩm đã dành phần lớn thời gian để thẩm tra lý lịch các bị cáo về hành vi lập nhiều dự án “ma” để huy động góp vốn, từ đó chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng Quyền sử dụng đất, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao cho người thân trong gia đình hoặc người thân tín làm đại diện theo pháp luật của các công ty; sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp. Để có tiền mua đất, Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như: đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, bị cáo Nguyễn Thái Luyện sử dụng thủ đoạn bán đất có cam kết mua lại với giá cao từ 30% (sau 12 tháng) đến 38% (sau 15 tháng). Thậm chí, bị cáo Luyện chỉ đạo các công ty con khi bán dự án cam kết với khách hàng sẽ thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký nếu khách hàng thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Với cùng một phương thức đánh vào sự thiếu hiểu biết pháp luật về đất đai và chiêu dụ người tham gia với tỷ lệ góp vốn và chia lãi cao, số bị hại trong vụ án lên tới 3.986 người. Hậu quả là hơn 2.260 tỷ đồng của các khách hàng đã bị Luyện và các đồng phạm lừa mua dự án “ma”.
Tính đến thời điểm bị bắt, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) sợ số tiền gửi trong ngân hàng bị phong tỏa nên chỉ đạo Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) rút 13 tỷ đồng và cho đến nay số tiền này chưa thu hồi được. Đến thời điểm xét xử vụ án, cơ quan chức năng đang tạm giữ nhiều tài sản của các bị cáo, trong đó kê biên 652 thửa đất có trị giá gần 1.537 tỷ đồng và các tài sản từ tiền đặt cọc thuê nhà của Công ty Alibaba tại TPHCM và một số địa phương.
Hôm nay phiên tòa tiếp tục làm việc.