Mấy chục năm đi tìm công lý, cuối cùng thì tử tù Trần Văn Thêm đã được minh oan. Trong hành trình giải oan cho chính mình, ông Thêm có những người đồng hành là người thân, luật sư và các nhà báo…
Ông Trần Văn Thêm với Luật sư Vũ Lợi.
Nỗi buồn, sự chia sẻ và... cơ duyên
Trong hành trình đi tìm công lý, cởi nỗi oan của ông Trần Văn Thêm, có sự góp sức rất lớn của một người cháu ông Thêm là Trần Văn Được. Anh Trần Văn Được rất quý ông Thêm và thương ông phải chịu cái án oan sai mấy chục năm trời.
Cùng với anh Được, nhiều người trong họ, giúp ông đi kêu oan. Tuy nhiên, bao nhiêu chuyến đi xuôi ngược đến gõ cửa đưa đơn kêu cứu đều nhận được những lời hứa xuông và những cái công văn “vô cảm”.
Người ta yêu cầu ông Thêm, một người nông dân chân đất, kém hiểu biết, không thạo đường sá, không có tiền, sức khỏe yếu phải tìm tài liệu chứng minh mình bị oan thì quá bằng đánh đố.
Cho đến bây giờ chính anh Trần Văn Được cũng không nhớ nổi đã cùng với người nhà đi tới những đâu, chở ông Thêm tới gặp những ai để kêu oan. Thời gian trôi đi nhanh thì hai ông cháu lại càng thấy buồn thăm thẳm.
Ông Thêm nhớ lại: “Bố tôi trước khi chết còn nhìn thẳng vào mặt tôi mà rên, thằng giết người kia tránh xa tao ra”. Vậy là bố ông về với tổ tiên vẫn cứ nghĩ rằng con mình là một kẻ sát nhân máu lạnh.
Còn bà con trong xóm ngoài làng thì nghĩ rằng ông đã đút lót tiền để được ra tù. Không một tờ giấy trong tay, không một chứng cớ thì ông biết giải thích cho bà con thế nào bây giờ, trong khi xét xử ông, người ta đã tổ chức mở phiên tòa ngay tại sân kho có hàng trăm người tới dự. Và bản án tuyên ông tội giết người cướp của với mức tử hình vẫn còn văng vẳng bên tai mọi người, đau hơn là giết chính người em họ. Khi còn ngồi trong tù, ông Thêm từng yêu cầu được chết càng nhanh càng tốt.
Một chuyện tình cờ đã xảy ra và cũng là cơ duyên của ông Thêm. Đó là dịp anh Trần Văn Được có đơn khởi kiện Chủ tịch xã Yên Phụ, huyện Yên Phong vì ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật. Anh Được đã lên mạng tìm một luật sư thuê bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.
Sau khi cân nhắc, anh tìm tới Công ty Luật Hòa Lợi, thuê luật sư Vũ Lợi. Sau khi kết thúc phiên tòa hành chính xét xử vụ việc của mình kiện chủ tịch xã, anh Được đã nói với luật sư Vũ Lợi về vụ án oan sai của ông Thêm và tha thiết nhờ luật sư giúp đỡ minh oan.
Đến hành trình của luật sư
Sau khi đọc tập hồ sơ của vụ án do anh Trần Văn Được cung cấp, khi ấy, luật sư Vũ Lợi thấy nản, mặc dù trong lòng rất thương ông Thêm. Đọc lời trình bầy tự bạch của ông Thêm, luật sư Lợi biết là ông đã bị oan bởi sự tắc trách của các cơ quan chuyên môn, nhất là cơ quan điều tra tỉnh Vĩnh Phú thời đó, nhất là nghe ông Thêm kể mình bị bức cung nhục hình...
Tuy nhiên trong mớ hồ sơ này hầu như không tìm được lối thoát để minh oan cho ông Thêm. Vì hầu như tất cả các cơ quan hữu quan đều trả lời không có hồ sơ vụ án và yêu cầu ông Thêm phải cung cấp chứng cứ mình bị oan sai.
Đặc biệt nhất là công văn số 501/VKSTC-V3 của VKSND tối cao trả lời đơn kêu oan của ông Thêm, đề ngày 7/3/2014 có nội dung như sau: “Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận được đơn khiếu nại của ông đề nghị minh oan trong vụ án giết người oan sai.
Ngày 8/1/ 2014 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có công văn yêu cầu ông, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Hà Nội, Công an các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và trung tâm lưu trữ quốc gia III cung cấp bổ sung những tài liệu liên quan tới vụ án như ông nêu trong đơn.
Đồng thời Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trực tiếp đi xác minh tại Tòa án nhân dân tối cao, Tòa phúc thẩm- Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Hà Nội và Trung tâm lưu trữ quốc gia III. Sau quá trình nêu yêu cầu, trực tiếp làm việc với các cá nhân, cơ quan, đơn vị có liên quan nêu trên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không tìm thấy tài liệu liên quan tới vụ án của ông như ông trình bầy trong đơn. Do đó không có căn cứ để xác định ông đã bị xét xử oan”.
Kể về việc này, luật sư Lợi chia sẻ: “Sau khi đọc công văn này và các công văn của Tòa án, tôi thấy bế tắc. VKSND tối cao đã làm cẩn thận như thế, đã rà soát và trực tiếp kiểm tra truy tìm hồ sơ như thế mà không có thì còn cách nào nữa? Cốt lõi của vụ việc đó là phải tìm được bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình ông Thêm thì mới minh oan được.
Tôi đã nản quá và định bỏ cuộc... Một lần tôi đã gọi điện cho anh Được, cháu ông Thêm bày tỏ sự bất lực và có ý định trả lại hồ sơ. Anh Được đã lập tức chở ông Thêm ra văn phòng của tôi tiếp tục xin được giúp đỡ. Anh Được nói rằng, gia đình không có tiền đâu, nghèo lắm, luật sư có tâm thì giúp đỡ thôi…”.
Thế rồi một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu Luật sư Vũ Lợi trong tích tắc ngồi một mình suy ngẫm về vụ án, số phận một con người cõng trên lưng nỗi oan khiên qua hai thế kỷ này. Ý nghĩ đó là: Ông Thêm sinh ra và lớn lên ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh, hiện cư trú tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh thì rất có thể Công an tỉnh Bắc Ninh đã lưu giữ hồ sơ vụ án này để theo dõi. Trong khi các cơ quan chuyên môn nêu trên chỉ tập trung tìm hồ sơ vụ án ở tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thuộc địa bàn xảy ra vụ án, khi còn chung tỉnh Vĩnh Phú mà thôi.
Nghĩ là làm, ngày 25/9/2014 Công ty Luật Hòa Lợi đã có công văn số 25/CV-HL gửi Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đề nghị trưởng phòng hồ sơ cho kiểm tra, xem xét hồ sơ vụ án ông Trần Văn Thêm có được lưu trữ tại Công an tỉnh Bắc Ninh hay không?
Và nếu có thì xin được cung cấp cho Công ty Luật làm căn cứ đề nghị Tòa án Tối cao minh oan cho ông Thêm. Vào thời điểm này luật sư Vũ Lợi cũng có lời mời, đề nghị báo Đại Đoàn Kết tham gia phối hợp cùng xác minh và đưa lên công luận vụ việc oan sai này.
Và thật bất ngờ, Ngày 5/11/2014 Trưởng phòng hồ sơ Công an tỉnh Bắc Ninh đã có công văn số 293/CV-PV27 phúc đáp cho Công ty Luật Hòa Lợi biết như sau: “Hiện Công an tỉnh Bắc Ninh có lưu giữ 2 hồ sơ có liên quan tới vụ giết người xảy ra tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú năm 1970, bị can có tên là Trần Văn Thêm sinh năm 1937, quê quán xã Hòa Bình huyện Yên Phong tỉnh Hà Bắc.
Hồ sơ thứ nhất có ký hiệu CP do Công an tỉnh Vĩnh Phú lập ngày 14/3/1972, có số 651CP đăng ký năm 1987. Hồ sơ thứ hai có ký hiệu CT số 905 đăng ký năm 1987. Tuy nhiên do thời điểm xảy ra vụ án đã lâu, các điều kiện phục vụ công tác lưu trữ còn rất hạn chế, hồ sơ trên đã qua nhiều tỉnh nên hầu hết hồ sơ đều đã bị mờ nhòe, giấy mục nát khó có khả năng phục chế”.
Từ chứng cứ quan trọng mang tính quyết định này, Công ty Luật Hòa Lợi đã triển khai các công việc nghiệp vụ chuyên môn, xin sao chép hồ sơ và làm công văn đề nghị TAND Tối cao xem xét minh oan cho ông Trần Văn Thêm.
Ngày 9/8/2016, từ những chứng cứ xác minh, TAND tối cao đã họp liên ngành, công bố vụ án ông Trần Văn Thêm 46 năm trước là oan sai. Việc minh oan cho ông Trần văn Thêm đã được các cơ quan chức năng thống nhất ra quyết định và sẽ công bố trong một ngày gần đây.
Nhận được tin này ông Trần Văn Thêm đã vô cùng phấn khởi. Ông bảo như thể được sinh ra lần thứ 2 trên cõi đời này. Mấy hôm nay nhà ông ngày nào cũng có các nhà báo tới phỏng vấn đưa tin, bà con trong xóm tới chia vui với gia đình ông. Lần đầu tiên trong suốt mấy chục năm qua, ông Trần văn Thêm đã cười rất tươi ở cái tuổi 80. Ông bảo: Bây giờ thì tôi chết được rồi!
Gặp người xét xử, tuyên án đầu tiên Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã tìm đến bà Tạ Thị Minh Tâm (năm nay gần 80 tuổi), nguyên Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phú, hiện đang cư trú tại phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, bà đã xác nhận về vụ án như sau: “Vụ án ông Thêm phạm tội giết người đã qua 35 năm, tôi chỉ còn nhớ những nét chính của vụ án thôi. Ông Trần Văn Thêm và người em họ quê ở Hà Bắc lên vùng huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú buôn bán. Hai người ngủ đêm ở lán chợ huyện Tam Dương. Đêm hôm đó người em bị giết. Qua quá trình điều tra của cơ quan Công an, ông Trần Văn Thêm đã nhận tội giết em để lấy của, do đó cơ quan điều tra đã kết luận thủ phạm giết người là ông Thêm, Viện kiểm sát đã phê chuẩn, chuyển hồ sơ sang Tòa án. Căn cứ vào các chứng cứ trong hồ sơ và bị cáo Trần Văn Thêm đã nhận tội, Tòa án đã đưa vụ án ra xét xử công khai. Hội đồng xét xử đã kết luận và tuyên án... Sau khi tuyên, bị cáo đã chống án lên Tòa Tối cao. Tòa án tỉnh Vĩnh Phú đã chuyển hồ sơ vụ án này lên Tòa Tối cao, do vậy Tòa án Vĩnh Phú trước đây mà sau này là Tòa án tỉnh Phú Thọ không còn hồ sơ lưu trữ vụ án này nữa. Tòa án phúc thẩm Tòa Tối cao đã đưa vụ án Trần Văn Thêm ra xét xử và đã tuyên y án như bản án của Tòa tỉnh Vĩnh Phú. Từ đó tới nay tôi không biết gì thêm về những tình tiết mới của vụ án Trần Văn Thêm. Chỉ có gia đình ông Trần Văn Thêm cho biết, sau khi xử phúc thẩm một hai năm gì đó thì phát hiện tình tiết mới của vụ án. Ông Trần Văn Thêm đã được tha... Vậy với tư cách cá nhân, tôi xin xác nhận quá trình xét xử vụ án này đúng như vậy. Đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm xem xét những chứng cứ mới mà ông Thêm cũng như gia đình trình bầy để không một người dân nào bị xử oan sai”. |