Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2), ngay sau khi khi bản án hình sự sơ thẩm được tuyên, Cục Thi hành án dân sự và các cơ quan chức năng tích cực phối hợp để giải quyết quyền lợi liên quan đến 43.125 bị hại trong vụ án. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng nghìn người chưa hoàn tất thủ tục, có thể ảnh hưởng đến tiến trình chi trả sau khi bản án có hiệu lực.
Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay khi bản án sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) được ban hành, cơ quan này đã liên hệ, thông báo các bị hại trong vụ án nhanh chóng cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản để đảm bảo việc thi hành án diễn ra đúng quy định, hiệu quả và kịp thời.
Theo Cục THADS TP Hồ Chí Minh, liên quan đến tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” số tiền 30.000 tỷ đồng của bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm, đến nay, cơ quan thi hành án đã tiếp nhận được hơn 34.000 đơn đề nghị cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản. Dù vậy, vẫn còn đến 9.125 người chưa hoàn tất thủ tục, có thể ảnh hưởng đến tiến trình chi trả sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Để đảm bảo tiến độ giải quyết vụ án, hiện nay, Cục THADS TP Hồ Chí Minh đang tích cực phối hợp với Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI, là đơn vị đăng ký và lưu ký trái phiếu) để thu thập thông tin từ các bị hại. Do đó, cơ quan THADS kêu gọi những người là bị hại trong vụ án tiếp tục hợp tác, nhanh chóng hoàn tất các thủ tục. Trong đó, cần sớm cung cấp các giấy tờ, hồ sơ, bao gồm: Đơn đề nghị nhận thông báo về thi hành án và thông tin về nhận tiền qua chuyển khoản (theo mẫu), giấy tờ tùy thân, giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động... để được giải quyết các thiệt hại trong vụ án.
Cũng theo Cục THADS TP Hồ Chí Minh, các thông tin cá nhân và hồ sơ cung cấp của các bị hại sẽ được bảo mật và sử dụng đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Đồng thời, cơ quan thi hành án cũng cảnh báo, những người là bị hại trong vụ án cần đặc biệt cảnh giác với các thông tin sai lệch từ các nguồn không chính thống. Đặc biệt không tụ tập đông người tại trụ sở để tránh ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ việc.
Hiện nay, công tác xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) đang được cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương. Trong đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã lên lịch xét xử phúc thẩm giai đoạn 2 của vụ án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 27 đồng phạm. Phiên tòa được mở do có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của bị cáo Trương Mỹ Lan và 27 đồng phạm xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan và nhiều bị hại cũng có đơn kháng cáo về phần dân sự.
Trước đó, từ ngày 19/9 đến 17/10/2024, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2). Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 12 năm tù về tội “rửa tiền” và 8 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Trương Mỹ Lan là tù chung thân.
Nội dung bản án sơ thẩm thể hiện, bị cáo Trương Mỹ Lan trong vai trò chủ mưu, cầm đầu vụ án, đã chỉ đạo và đề ra chủ trương sử dụng 4 công ty “con” của Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát (An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra) để phát hành 25 mã trái phiếu "khống". Nhờ đó, huy động số vốn lớn của 35.824 nhà đầu tư thứ cấp. Tính đến ngày 7/10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền hơn 30.000 tỷ đồng của hàng chục nghìn bị hại trong vụ án.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan đã bị Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên án phúc thẩm y án tử hình về các tội “tham ô tài sản”; “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “đưa hối lộ”. Trong giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội với vai trò tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác, cùng lúc thực hiện 3 hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn.
Sau bản án phúc thẩm giai đoạn 1 của vụ án (tháng 12/2024), các cơ quan tố tụng cho biết, để thoát án tử hình, bị cáo Trương Mỹ Lan phải nộp 3/4 số tiền đã chiếm đoạt. Căn cứ nội dung bản án, bị cáo tham ô 304.000 tỷ đồng, nên phải nộp khoảng 280.000 tỷ đồng mới có cơ sở đề nghị giảm mức án tử hình.