Pháp luật

Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Trương Huệ Vân giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 13.000 tỷ đồng

Thu Anh 11/06/2024 09:34

Quá trình làm việc, Trương Huệ Vân thừa nhận hành vi sai phạm của mình, do tin tưởng vào chủ trương của Trương Mỹ Lan nên đã lập, ký các chứng từ “khống” để tạo lập trái phiếu, không được hưởng lợi.

anh-bai-duoi.jpg
Trương Huệ Vân tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: X.Ân.

Trong giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát, bị can Trương Huệ Vân (cháu gái của Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đề nghị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Kết quả điều tra và tài liệu thu thập được đã chứng minh phương thức thủ đoạn gian dối của các bị can trong việc tạo lập trái phiếu của 4 Công ty: An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra.

Cụ thể, họ dựng lên các công ty “ma”, thuê người đứng tên thành lập công ty, sở hữu cổ phần… phục vụ cho hoạt động tài chính của tập đoàn. Các bị can còn chủ trương phát hành trái phiếu, lựa chọn tổ chức phát hành, trái chủ sơ cấp, chạy dòng tiền “khống” để tạo lập 25 gói trái phiếu “khống” bán cho các nhà đầu tư để chiếm đoạt. Tiếp đó, rút tiền, “cắt đứt”, che giấu dòng tiền để sử dụng.

Với chuỗi hành vi trên, cơ quan điều tra kết luận, các bị can có vi gian dối trong hoạt động phát hành 25 gói trái phiếu “khống” của 4 công ty kể trên, bán cho nhà đầu tư, thu về số tiền hơn 30.800 tỷ đồng để sử dụng. Đến nay còn dư nợ hơn 30.000 tỷ đồng và không có khả năng thu hồi.

Theo kết luận điều tra, Trương Huệ Vân (Phó tổng Giám đốc Công ty WMC và Công ty An Đông) khai rằng, bản thân là cháu ruột của Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), được bà Lan tin tưởng giao cho làm cổ đông, thành viên HĐQT Công ty WMC, bổ nhiệm Tổng Giám đốc năm 2015.

Vốn góp do Trương Mỹ Lan cho Huệ Vân nắm giữ nhưng thực chất là tiền của bà Lan và thành viên HĐQT Công ty An Đông. Tuy nhiên, Huệ Vân khai rằng, bản thân không trực tiếp điều hành, quyết định các vấn đề tài chính của 2 công ty mà do bà Trương Mỹ Lan điều hành.

Liên quan đến việc phát sinh trái phiếu Công ty An Đông, Huệ Vân xác nhận đã ký các hợp đồng, chứng từ.

Cụ thể, đối với trái phiếu Công ty An Đông 2018, Huệ Vân đã ký hợp đồng đặt mua 30 trái phiếu mã ADC - 2018.09 trị giá hơn 3.000 tỷ đồng, cùng 5 Ủy nhiệm chi Công ty Windsor chuyển tiền đến Công ty An Đông, tổng số tiền 3.000 tỷ đồng để mua sơ cấp trái phiếu Công ty An Đông.

Đối với trái phiếu Công ty An Đông 2019, Huệ Vân đã ký 5 hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp về việc đặt mua 100 triệu trái phiếu của Công ty An Đông, tổng trị giá 10.000 tỷ đồng; cùng 25 Ủy nhiệm chi Công ty Windsor chuyền tiền cho Công ty An Đông 10.000 tỷ đồng để mua sơ cấp trái phiếu.

Trương Huệ Vân khai nhận, Công ty Windsor không có nhu cầu đầu tư trái phiếu thực tế và cũng không có 13.000 tỷ đồng để mua sơ cấp trái phiếu. Việc Công ty An Đông phát hành trái phiếu là theo chủ trương của Trương Mỹ Lan.

Mặc dù là thành viên HĐQT Công ty An Đông nhưng bị can Trương Huệ Vân chưa từng họp hay được thông báo về việc phát hành trái phiếu, mà chỉ được cấp dưới đưa đến bộ hợp đồng mua bán trái phiếu và các chứng từ liên quan đã có đủ chữ ký.

Vân tin tưởng vào chủ trương của bà Lan và đã được Nguyễn Hữu Hiệu (Phó tổng Giám đốc tài chính Công ty WMC và Công ty An Đông) kiểm tra, kiểm soát nội dung nên đã ký toàn bộ các hợp đồng, chứng từ liên quan.

Theo cơ quan điều tra (CQĐT), quá trình làm việc, Trương Huệ Vân thừa nhận hành vi sai phạm của mình, do tin tưởng vào chủ trương của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát mà lập, ký các chứng từ “khống” để tạo lập trái phiếu, không được hưởng lợi. Bị can cũng đã tự nguyện nộp tiền khắc phục một phần hậu quả trong vụ án.

Về phía bị can Nguyễn Hữu Hiệu, cơ quan điều tra kết luận, Hiệu được yêu cầu hỗ trợ khi Trương Mỹ Lan chọn Công ty An Đông phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Hiệu đã chỉ đạo kế toán chuẩn bị hồ sơ tài liệu theo yêu cầu của phía Công ty Chứng khoán TVSI.

Quá trình thực hiện, Hiệu được biết bà Lan chọn Công ty Windsor là công ty mua sơ cấp trái phiếu của Công ty An Đông. Trên cơ sở đó, Hiệu sẽ được thông báo về các ngày sắp xếp được người nộp tiền vào tài khoản của Công ty Windsor và yêu cầu Hiệu lập các Ủy nhiệm chi chuyển tiền nội bộ, chuyển tiền thanh toán cho An Đông.

Nguyễn Hữu Hiệu xác nhận, bản thân đã lập và ký 35 Ủy nhiệm chi chuyển 13.000 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Windsor đến Công ty An Đông theo các Hợp đồng đặt mua trái phiếu, là theo chủ trương của Trương Mỹ Lan.

Quá trình làm việc, Hiệu thừa nhận sai phạm, bản thân là người làm thuê và chỉ biết tin tưởng vào chủ trương của bà Lan mà lập, ký các chứng từ “khống” để tạo lập trái phiếu. Theo CQĐT, bị can Hiệu khai rõ bản thân không được hưởng lợi và đã tự nguyện nộp tiền khắc phục một phần hậu quả. Hành vi của Trương Huệ Vân và Nguyễn Hữu Hiệu đã phạm vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với vai trò đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 13.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, CQĐT xét thấy, xuyên suốt vụ án từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2, vai trò của Huệ Vân là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo từ cấp trên và không được hưởng lợi. Bị can ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo và hợp tác tích cực với CQĐT; có nhân thân tốt nên CQĐT đề nghị xem xét khi lượng hình.

Bị can Hiệu cũng được CQĐT đề nghị xem xét khi lượng hình vì là người làm công ăn lương, thành khẩn khai báo, đã nộp tiền khắc phục một phần hậu quả…

Trước đó, Trương Huệ Vân bị Tòa án nhân dân TPHCM tuyên phạt 17 năm tù về tội “tham ô tài sản”. Sau đó, Vân có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Trương Huệ Vân giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 13.000 tỷ đồng