Căn cứ hồ sơ, chứng cứ và lời khai của các bị cáo trong quá trình thẩm vấn tại tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm nhận định, có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại của vụ án là 677.286 tỷ đồng và số lãi phát sinh của số tiền này.
Ngày 11/4, Tòa án nhân dân TPHCM tiến hành tuyên án các bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan.
Tại tòa, HĐXX nhận định, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu và là người chỉ đạo xuyên suốt quá trình rút tiền từ Ngân hàng SCB và gây thiệt hại cho ngân hàng này số tiền đặc biệt lớn. Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong giai đoạn chủ trương hợp nhất 3 ngân hàng SCB, ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và ngân hàng Đệ Nhất, đã tham gia quá trình thu mua cổ phần của các ngân hàng này. Bị cáo đã lợi dụng chính sách tái cơ cấu lại ngân hàng để thâu tóm số lượng lớn cổ phần của ngân hàng SCB sau hợp nhất. Tính đến tháng 10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan nắm giữ khoảng 91,5% cổ phần ngân hàng SCB. HĐXX cũng nhận định, dù bị cáo Lan sau đó không tham gia nắm giữ các chức vụ tại ngân hàng này nhưng thực tế thể hiện quyền chi phối và quyết định các vấn đề của ngân hàng SCB.
Trong quá trình xét xử, từ bào chữa của luật sư và phần tự bào chữa, HĐXX ghi nhận bị cáo Lan có các tình tiết giảm nhẹ, như: phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19..., tuy nhiên, bị cáo phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức; hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và không có khả năng thu hồi. Đồng thời, hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn với SCB, đẩy ngân hàng này vào tình trạng mất thanh khoản. Đồng thời, vụ án tiêu cực tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan đã gây hoang mang dư luận, xói mòn niềm tin của nhân dân và làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, HĐXX thống nhất quyết định áp dụng tổng hợp hình phạt là tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, gồm: “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (20 năm tù), “tham ô tài sản” (tử hình) và “đưa hối lộ” (20 năm tù).
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX xác định, đến nay có một số khoản vay đã được tất toán, đồng thời bị cáo Trương Mỹ Lan có nộp một phần số tiền khắc phục hậu quả vụ án nên bị cáo Lan chỉ còn bồi thường hơn 673.800 tỷ đồng/1.243 khoản vay kèm theo số tiền lãi phát sinh. Đồng thời, HĐXX cũng tuyên án, chuyển toàn bộ tiền của các bị cáo khác tự nguyện khắc phục hậu quả cho SCB để đảm bảo nghĩa vụ khắc phục hậu quả của cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong vụ án. Riêng đối với biệt thự trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM) được bị cáo Trương Mỹ Lan yêu cầu hủy bỏ kê biên do số tài sản này là của cổ đông chứ không phải của bị cáo Lan. Tuy nhiên, HĐXX nhận định đủ cơ sở xác định là tài sản của bị cáo Lan, và sẽ được tiếp tục xác minh khi giải quyết giai đoạn 2 của vụ án.
Ngoài án tử hình cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong vai trò cầm đầu, chỉ đạo xuyên suốt quá trình vụ án, HĐXX cấp sơ thẩm cũng công bố các bản án nghiêm khắc dành cho các bị cáo nguyên là cựu lãnh đạo tại ngân hàng SCB và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, với hành vi giúp sức tích cực cho quá trình phạm tội của cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Đáng chú ý trong nhóm bị cáo này, các bị cáo nguyên là lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng SCB, bao gồm bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT; xét xử vắng mặt); Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT) và Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc) bị tuyên mức án chung thân cho 2 tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “tham ô tài sản”. Hai cựu lãnh đạo khác của SCB là bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu Quyền Tổng Giám đốc SCB) lĩnh án 18 năm tù về tội “tham ô tài sản”; bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) lĩnh 16 năm tù, ngoài ra bị cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan tín dụng ngân hàng trong 2 năm sau khi chấp hành hình phạt chính. Đối với trường hợp bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, là cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan) đã được HĐXX sơ thẩm xem xét một phần tình tiết giảm nhẹ, tuyên án 17 năm tù dành cho bị cáo này về 2 tội “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Ngoài ra, về số tiền 1.000 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí nộp trả bị cáo Trương Mỹ Lan, quá trình xét xử bị cáo Lan đề nghị chuyển số tiền này cho bị cáo Trương Huệ Vân. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy cần phải chuyển số tiền này cho SCB để khấu trừ vào thiệt hại do bị cáo Lan đã gây ra.
Đối với hành vi của bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát - Ngân hàng Nhà nước) cũng cần phải có bản án nghiêm khắc. Dù bị cáo biết rõ bị cáo Trương Mỹ Lan nắm quyền chi phối gần tuyệt đối tại SCB, toàn quyền chỉ đạo hoạt động ngân hàng này, do đó thông qua bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) để nhiều lần gặp gỡ cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát để trao đổi về kết luận thanh tra. Bị cáo Nhàn cũng trực tiếp nhận 5,2 triệu USD để xây dựng kết quả thanh tra theo hướng có lợi, không đưa SCB vào đối tượng kiểm soát đặc biệt, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra các sai phạm liên quan.
Theo HĐXX, việc ban hành kết luận thanh tra là phương thức để bị cáo Đỗ Thị Nhàn thỏa thuận với bị cáo Trương Mỹ Lan, nhằm nhận hối lộ. Xâu chuỗi toàn bộ hành vi, quá trình bào chữa và tự bào chữa, HĐXX cho rằng, hành vi của bị cáo Nhàn có mối quan hệ nhân quả giữa nhận tiền và ra kết quả thanh tra, từ đó có đủ cơ sở để xác định bị cáo Đỗ Thị Nhàn phạm tội “nhận hối lộ” và quyết định tuyên mức án chung thân đối với bị cáo này. Ngoài mức án tù nghiêm khắc, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát - Ngân hàng Nhà nước còn bị buộc nộp lại 5,2 triệu USD sung công quỹ nhà nước. Bên cạnh đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn do đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn nên áp dụng hình phạt bổ sung nộp phạt 100 triệu đồng.
Ngoài nhóm bị cáo bị xét xử nghiêm khắc do đóng vai trò giúp sức tích cực cho quá trình phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan, nhóm hơn 20 bị cáo là các cán bộ, nhân viên dưới quyền tại SCB và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, do chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, đa số chỉ làm công ăn lương, phạm tội lần đầu và do tích cực khắc phục hậu quả đã gây ra trong vụ án, nên được HĐXX sơ thẩm chấp thuận đề nghị của đại diện VKS, giảm mức án xuống còn từ 4 năm đến 15 năm tù.