Theo cơ quan điều tra, trong quá trình kiểm tra, chỉ đạo kết luận kiểm tra giá hiệp thương test xét nghiệm của Công ty Việt Á, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cựu Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn.
Liên quan đến vụ án sai phạm mua sắm kit test của Công ty Việt Á, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra kết luận, đề nghị VKSND tối cao truy tố các bị can về các tội: "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Tham ô tài sản"; "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trong số bị can có người từng là Ủy viên Trung ương Đảng gồm các ông: Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Khoa học Công nghệ; Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế; Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.
Theo cơ quan điều tra, 3 người này đều được đánh giá thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác; đã nộp khắc phục phần lớn hoặc toàn bộ số tiền nhận từ Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á.
Đáng chú ý, cũng theo cơ quan điều tra, trong quá trình kiểm tra, chỉ đạo kết luận kiểm tra giá hiệp thương test xét nghiệm của Công ty Việt Á, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cựu Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn.
Cụ thể, khi là Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Trương Quốc Cường được giao phụ trách Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Chủ tịch Hội đồng cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm.
Tuy nhiên, việc ký các Quyết định cấp số đăng ký lưu hành được Bộ trưởng Bộ Y tế giao cho ông Nguyễn Trường Sơn, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Y tế thực hiện; việc họp Hội đồng cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm, ông Trương Quốc Cường ủy quyền cho Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị & Công trình y tế, Phó Chủ tịch Hội đồng cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm chủ trì.
Khi Bộ Y tế quyết định giá hiệp thương không có căn cứ, Bộ Tài chính có văn bản đôn đốc Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương để xác định giá chính thức làm cơ sở thanh toán nhưng Bộ Y tế không thực hiện. Sau đó, theo kiến nghị của Bộ Tài chính, ngày 1/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì kiểm tra giá hiệp thương (nêu tại Công văn sổ 4343/VPCP-KTTH ngày 1/6/2020 của Văn phòng Chỉnh phủ) nhưng Bộ Y tế không kịp thời thực hiện mà ông Trương Quốc Cường còn ký văn bản sổ 3793/BYT-KHTC ngày 15/7/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, đùn đẩy trách nhiệm kiểm tra giá hiệp thương cho Bộ Tài chính.
Khi Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có ý kiến chỉ đạo (nêu tại Công văn số 6423/VPCP- KTTH ngày 5/8/2020 của Văn phòng Chính phủ), ngày 29/8/2020 ông Trương Quốc Cường mới ký Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra giá hiệp thương.
Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty Việt Á có sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất, có thành viên Đoàn kiểm tra có ý kiến đề nghị Bộ Y tế thu hồi số đăng ký của Công ty Việt Á.
Ông Nguyễn Nam Liên, Trưởng Đoàn kiểm tra đã báo cáo nhưng ông Nguyễn Thanh Long không chỉ đạo giải quyết mà có bút phê "Vụ báo cáo Thứ trưởng Trương Quốc Cường để chỉ đạo xử lý theo quy định". Trưởng Đoàn kiểm tra Nguyễn Nam Liên tiếp tục báo cáo ông Trương Quốc Cường nhưng ông Cường không cho ý kiến chỉ đạo cụ thể mà chỉ bút phê: "Đề nghị Đoàn kiêm tra khẩn trương giải quyết vì triển khai quá chậm, báo cáo Bộ trưởng.
Theo Cơ quan điều tra, ông Trương Quốc Cường có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho ông Nguyễn Thanh Long trong kiểm tra, chỉ đạo kết luận kiểm tra giá hiệp thương.
Cơ quan điều tra xác định ông này không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Phan Quốc Việt và doanh nghiệp; không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hay động cơ cá nhân khác. Do đó, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự.
Đối với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ông Sơn chỉ bị kỷ luật về mặt Đảng. Vị này nghỉ hưu hồi tháng 5/2023 và không bị xử lý hình sự trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á.
Kết luận điều tra xác định, ông Nguyễn Trường Sơn là người ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức kit test xét nghiệm Covid-19 của Việt Á. Đây là nhiệm vụ của cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhưng Bộ Y tế phân công ông Sơn cấp đăng ký lưu hành với các sinh phẩm xét nghiệm.
Khai với cơ quan điều tra, Cựu Thứ trưởng Sơn khẳng định không được hưởng lợi từ Phan Quốc Việt hoặc Công ty Việt Á và không có động cơ cá nhân khi ký các quyết định liên quan đến doanh nghiệp này.
Cơ quan điều tra cho rằng, việc ông Sơn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành không phải nhiệm vụ thường xuyên, không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á và không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân.
Vì vậy, cơ quan điều tra miễn trách nhiệm hình sự cho ông Sơn, không khởi tố điều tra, không đề nghị truy tố theo điểm c khoản 2 điều 29 bộ luật Hình sự và điểm b khoản 3 điều 5 Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
Năm 2022, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã bị TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, tuyên án 3 năm tù giam về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại TP HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược, Bộ Y tế; hiện đang thi hành án tại một trại giam của Bộ Công an.