Vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung: Kiểm tra đường ống 'khổng lồ' dưới biển Vũng Áng

B.Vũ - H.Nguyên- T.Hạ -X.Thi 23/04/2016 11:01

Liên quan đến nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan (Công an, Biên phòng…) kiểm tra, làm rõ, nếu đúng, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung: Kiểm tra đường ống 'khổng lồ' dưới biển Vũng Áng

Cá chết hàng loạt.

Đường ống “khổng lồ”

Trong khi nguyên nhân cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung trong những ngày gần đây chưa được các cơ quan chức năng làm rõ thì ngư dân Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, ngụ thôn Ba Đồng, P. Kỳ Phương, TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, ngày 4/4, trong khi lặn xuống biển bắt cá, anh phát hiện có một đường ống dài khoảng 1,5km, đường kính 1,1m, một đầu của đường ống nối từ khu vực dự án Formosa, đầu còn lại nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn dài khoảng 2m, đường kính khoảng 40cm). Theo anh Thành, khi phát hiện anh thấy đường ống này phun nước rất mạnh, nước có màu vàng đục, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở. Sau đó anh Thành đã tới trình báo với Đồn biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh).

Ông Chu Văn Trình (thôn Hải Phong 1 - xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) cũng cho biết: “Thời điểm trước khi xảy ra cá chết hàng loạt (6/4) ở vùng biển này thấy nước có màu vàng đục, nổi váng, mùi rất hôi”. Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Khâu Nhân Kiệt- Giám đốc bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho biết: “Ống xả thải này là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ các điểm về. Đường ống này có đường kính 1m, kéo dài 1,5km ra thẳng ngoài biển và nằm ở tầng đáy. Ống xả này được sự cho phép của Bộ TN&MT”. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Đặng Bá Lục- Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Ai nghi vấn chứ về phía ngành tài nguyên môi trường chưa nghi vấn. Vì chúng tôi chưa có cơ sở kết luận nguyên nhân vì sao cá chết như vậy nên phía Bộ TN&MT có ai nói đó là nghi vấn cả”.

Phó Thủ tướng yêu cầu
làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt

Liên quan đến tình hình hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế trong những ngày qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn UBND các tỉnh bị ảnh hưởng trong việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn Trung ương xác định nguyên nhân; thu gom, xử lý số lượng cá chết không để ô nhiễm môi trường; thống kê thiệt hại, hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

L.Bình

Nằm trong thiết kế

Đó là khẳng định của ông Hồ Anh Tuấn- Trưởng ban quản lý KTT Hà Tĩnh với PV Báo Đại Đoàn Kết chiều 22-4. Theo ông Tuấn, “đường ống có chiều dài 1,5km và đường kính 1,1m là của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Fosmosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, nó nằm trong thiết kế và được đánh giá đầy đủ về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cái này do Bộ TN&MT phê duyệt. Và trách nhiệm kiểm tra, giám sát xả thải của các đơn vị này thuộc về Bộ TN&MT, Sở TN&MT và Ban Quản lý khu Kinh tế Hà Tĩnh. Hệ thống của họ là quan trắc tự động, được lưu đầy đủ nên không có vấn đề gì cả, hiện nay nằm gần biển còn có Nhà máy Nhiệt Điện 1 cũng có xả thải”.

Trước thông tin dư luận nghi vấn về đường ống của đơn vị mình xả thải ra môi trường dẫn đến cá chết, ông Chu Xuân Phàm- Trưởng đại diện Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Fosmosa Hà Tĩnh cho rằng: “Nói như thế là không đúng, công ty tự kiểm soát rồi, trong hành lang, nội bộ chúng tôi không có vấn đề gì, vì thế ngoài bờ rào không liên quan gì đến Fosmosa Hà Tĩnh. Còn đường ống báo chí mô tả, thì tôi không thể trả lời được. Vấn đề cá chết, công ty chúng tôi không dính dáng gì việc này, bởi vì ống xả thải, kênh xả thải của chúng tôi vẫn nuôi cá ở trong và cá vẫn sống”. Khi được hỏi đường ống xả thải nằm ở ví trí nào, và có bao nhiêu điểm thì ông Phàm cho rằng: “Không trả lời được, tôi không phải là kỹ thuật nên tôi không nắm được, anh cũng không biết máy móc của công ty anh nằm ở đâu, bao nhiêu điểm anh cũng không rõ, tôi không biết mọi thứ được”.

Liên quan đến vụ việc này, chiều 22/4, đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT có buổi làm việc với một số công ty trong khu Kinh tế Vũng Áng, tuy nhiên báo chí không được tiếp cận. Tìm hiểu về vấn đề số hóa chất mà một số đơn vị tại khu Kinh tế Vũng Áng nhập khẩu về để sử dụng, ông Nguyễn Bá Trung- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan của khẩu Vũng Áng cho biết: “Vấn đề hàng hóa nhập khẩu qua Cửa khẩu Vũng Áng thực hiện theo quy định, trên cơ sở giấy phép của Bộ Công thương, mức độ độ độc hại của các loại hóa chất này thì chúng tôi chưa nắm được, phải dựa vào hồ sơ mới biết”.

Riêng cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, chiều ngày 22/4 chúng tôi đến ghi nhận những thông tin về vụ việc này thì đều nhận được câu trả lời:bận, chưa thể trả lời báo chí.

Vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung: Kiểm tra đường ống 'khổng lồ' dưới biển Vũng Áng - 1

Ngư dân xót xa phản ánh với PV về việc cá chết
nhưng đến giờ vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Khẩn trương thu gom cá chết

Trong một diễn biến khác, ngày 22/4, Đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản-Bộ NN&PTNT do bà Nguyễn Thị Thu Dung- Phó Tổng cục trưởng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế về tình hình cá chết trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hàng loạt câu hỏi được đoàn kiểm tra đặt ra với đơn vị này như: Đề nghị sở này cung cấp các chứng cứ như hình ảnh về cá chết, xin mẫu cá chết nhưng vẫn còn tươi để đưa về xét nghiệm, ước tính sản lượng cá chết, tình hình nuôi trồng và khai thác thủy sản của địa phương này trong thời gian hiện nay. Cá nuôi chết trước hay cá tự nhiên chết trước, diễn biến bệnh như thế nào?

Còn tại Quảng Bình, ngày 22/4, ông Trần Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã đi kiểm tra tình hình cá chết bất thường trôi dạt vào bờ ở vùng biển thuộc xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch). Tại nơi thực tế, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo huyện Quảng Trạch và UBND các xã vùng biển khẩn trương tổ chức lực lượng thu gom, tiêu hủy tránh làm ô nhiễm môi trường; đồng thời vận động nhân dân không thu gom cá chết về làm thực phẩm, bán hoặc làm mắm muối gây ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân.

Cùng ngày, khoảng 500 đoàn viên, thanh niên thuộc Huyện đoàn Quảng Ninh đã tiến hành thu gom cá chết trôi dạt trên vùng bờ biển Hải Ninh. Số cá chết thu gom được các đoàn viên thanh niên đào hố chôn, có xử lý bằng vôi trắng và Cloramin B theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng huyện.

Cảnh sát môi trường truy tìm độc tố

Liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở các vùng biển miền Trung trong suốt nửa tháng qua, ngày 22- 4, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý- Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) cho biết, sau khi nhận được phản ánh, đơn vị này đã cử người vào để kiểm tra, điều tra làm rõ.

Theo tướng Nguyễn Xuân Lý, vụ việc này đang trong quá trình điều tra nên Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường chưa thể phát ngôn ngay được vì ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. “Tuy nhiên, để tìm ra nguyên nhân, chúng tôi sẽ làm hết sức, làm hết trách nhiệm với người dân”, tướng Lý nói.

Từ Khôi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung: Kiểm tra đường ống 'khổng lồ' dưới biển Vũng Áng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO