Thông tin từ TAND tỉnh Hòa Bình cho biết, tới thời điểm này đã nhận được đơn kháng cáo của 5 trên tổng số 7 bị cáo trong vụ án sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng khiến 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Những người kháng cáo gồm: Cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương, cựu PGĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình Hoàng Đình Khiếu, cựu Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế (BVĐK tỉnh Hòa Bình) Trần Văn Thắng, Giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn và bị cáo Hoàng Công Lương.
Cơ quan tư pháp cũng đã nhận được đơn kháng án của đại diện gia đình 9 nạn nhân thiệt mạng trong sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng nêu trên. Ngoài ra, Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn cũng có đơn đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại trách nhiệm dân sự của doanh nghiệp này, cũng như phần trách nhiệm của GĐ Đỗ Anh Tuấn.
Riêng các bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) và Trần Văn Sơn (cựu nhân viên Phòng Vật tư thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình) tới thời điểm này chưa nộp đơn kháng án. Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm sẽ được TAND tỉnh Hòa Bình đưa ra xét xử vào tháng 4 tới.
Trước đó, kể từ khi TAND TP Hòa Bình tuyên 42 tháng tù giam (30/1/2019), bị cáo Hoàng Công Lương đã tuyên bố sẽ “đi đến cùng” để chứng minh anh ta vô tội.
Bị cáo Lương cho rằng, HĐXX tuyên án không khách quan, chỉ dựa vào cáo trạng (của Viện KSND tỉnh Hòa Bình) và quan điểm luận tội của đại diện Viện KSND TP Hòa Bình (được Viện KSND tỉnh Hòa Bình ủy quyền) giữ quyền công tố tại tòa, mà không xem xét đến những chứng cứ gỡ tội, cũng như các tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Hoàng Công Lương băn khoăn vì sao ở phiên xử lần một chỉ bị công tố viên đề nghị án treo, nhưng tới lần 2 lại bị đề nghị 36-42 tháng tù, để rồi HĐXX tuyên mức án cao nhất.