Chiều 11/2, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc trả lời các câu hỏi liên quan tới việc cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà (thuộc Dự án Cienco 5), nằm trên địa bàn phường Phú Lương.
Công viên nước Thanh Hà.
Liên quan tới công trình này, nhiều ý kiến thắc mắc vì sao một công trình công viên nước đồ sộ, trị giá hàng trăm tỷ đồng như vậy lại có thể xây dựng sai phép và đi vào hoạt động rầm rộ một thời gian mà UBND quận Hà Đông lại không biết? Ai đã làm ngơ cho công trình này mọc lên, xử lý trách nhiệm thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Quang Ngọc- Phó Chủ tịch quận Hà Đông nói: “Đối với công trình không phép trong một thời gian dài, hiện chúng tôi đang xem xét trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan tham mưu xây dựng, sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm túc đến đó. Toàn bộ quy trình thiết lập hồ sơ, xử lý vi phạm đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật từ việc thiết lập hồ sơ, thông báo chủ đầu tư”.
Nói về việc cưỡng chế công trình này, ông Ngọc cho biết, gần đây chủ đầu tư (Công ty Cienco 5) đã xây dựng không phép Công viên nước Thanh Hà, chính vì vậy các cơ quan chức năng quận Hà Đông đã thiết lập các biên bản, hồ sơ để xử lý vi phạm xây dựng không phép tại công trình này. “Việc thiết lập hồ sơ được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật quy định”- ông Ngọc nói. Phó Chủ tịch quận Hà Đông nhấn mạnh, quá trình thiết lập hồ sơ xử lý, cơ quan chức năng đã gửi đầy đủ thông báo cho chủ đầu tư gồm quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế, thông báo yêu cầu thực hiện, chấp hành các quyết định xử lý của quận Hà Đông. “Qua những biên bản thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, vi phạm trật tự xây dựng công trình công phép, đã thiết lập 19 hạng mục công trình thuộc Dự án Công viên nước Thanh Hà là các hạng mục vi phạm trật tự xây dựng”- ông Ngọc cho biết.
Phó Chủ tịch quận Hà Đông cũng khẳng định, không có chuyện quận Hà Đông tự ý cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà mà trước khi tiến hành cưỡng chế, UBND cấp phường tới UBND quận đã trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp, vận động, thuyết phục nhiều lần, yêu cầu chủ đầu tư tự giác tháo dỡ. Đến ngày 26/11/2019, chủ đầu tư đã có Công văn số 19 thông báo sẽ tự giác tháo dỡ, bắt đầu từ 6/12/2019.
Cũng theo Phó Chủ tịch quận Hà Đông, chủ đầu tư tuy đã có công văn xin được tự giác tháo dỡ công trình sai phạm, tuy nhiên đơn vị này lại không thực hiện. “Chính vì vậy, UBND quận theo quy trình, trình tự pháp luật đã giao UBND phường Phú Lương tổ chức lực lượng tiến hành cưỡng chế, xử lý công trình vi phạm. Toàn bộ 19 hạng mục công trình nằm trong các quyết định vi phạm thì đã bị xử ý. Chúng tôi khẳng định quá trình thực hiện xử lý vi phạm tại Công viên nước Thanh Hà đảm bảo đúng trình tự, quy định của pháp luật”- Phó Chủ tịch quận Hà Đông nói.
Trước đó, ngày 15 và ngày 16/1/2020, UBND phường Phú Lương (quận Hà Đông) đã tổ chức lực lượng cưỡng chế và chỉ sau 2 ngày, Công viên nước Thanh Hà trị giá hàng trăm tỷ đồng bỗng trở thành bãi phế liệu. Mới đây, Công ty Cienco 5 cũng có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng vì cho rằng việc cưỡng chế của UBND quận Hà Đông vi phạm quy định của pháp luật bởi lẽ đây không phải hành động tháo dỡ mà là phá dỡ, hủy hoại tài sản của doanh nghiệp.