Những ngày qua, dư luận đã đặc biệt quan tâm vụ việc anh thợ điện đem 100 USD đến một tiệm vàng trên địa bàn TP Cần Thơ để đổi thành tiền Việt bị xử phạt 90 triệu đồng. Cơ quan chức năng cũng đã xử phạt tiệm vàng.
Tiệm vàng Thảo Lực nơi xảy ra vụ việc đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng.
Cú sốc của anh thợ điện nghèo
Mất một thời gian hỏi đường tôi mới tìm đến được căn nhà của anh thợ điện “nổi tiếng” những ngày qua. Ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc phường An Hoà, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Mặt rầu rĩ, anh Nguyễn Cà Rê kể: Cuối năm 2017, anh Rê nhận được 100 USD từ người bà con gửi tặng. Do không có tiền đóng học phí cho con, nên anh ghé vào tiệm vàng của Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (tiệm vàng Thảo Lực, quận Ninh Kiều) để đổi. Tuy nhiên, khi giao dịch vừa xong thì bị cơ quan chức năng bắt quả tang và lập biên bản tịch thu số tiền trên.
Chia sẻ thêm, anh Rê bộc bạch: “Tôi cứ nghĩ bị tịch thu 100 USD là để điều tra, xử lí tiệm vàng do không có giấy phép đổi ngoại tệ rồi sẽ trả tiền lại cho tôi, chứ không nghĩ rằng mình bị phạt 90 triệu đồng. Bẵng đi một thời gian, mới đây có cán bộ phường xuống nhà đưa quyết định xử phạt, tôi thật sự rất bất ngờ. Trước đây tôi từng đổi tiền ở tiệm vàng này nhưng không có vấn đề gì. Bản thân cũng không rành chỗ nào được đổi chỗ nào không, chỉ thấy tiện thì mình đổi thôi”.
Chị Trần Thị Minh Ngọc (vợ anh Rê) lo lắng nói: “Trước đây tôi bán chuối nướng trước hẻm gần nhà, còn chồng đi sửa điện. Nay cha tôi bị bệnh suy thận nên phải lọc thận tuần 3 lần nên điều kiện kinh tế gia đình càng khó khăn. Tôi đã phải nghỉ bán để chăm sóc thì lấy tiền đâu ra mà đóng phạt”. Chị Ngọc cho biết, vừa qua anh Rê cũng đã nhờ người làm 4 lá đơn gửi UBND TP Cần Thơ để xin miễn phạt, nhưng tới nay chưa biết kết quả ra sao.
Xung công quỹ, chủ tiệm vàng sẽ kiện
Ngày 26/10 ông Nguyễn Thanh Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ký Quyết định số 2639 phê duyệt phương án xử lý tang vật bị tịch thu vụ anh thợ điện bị phạt 90 triệu đồng khi đổi 100 USD sang tiền Việt tại tiệm vàng Thảo Lực. Theo đó, số tang vật gồm 20 viên kim cương và 19.910 viên hột đá nhân tạo (trị giá hơn 548 triệu đồng) mà cơ quan công an tịch thu tại tiệm vàng Thảo Lực sẽ chuyển vào Kho bạc Nhà nước Cần Thơ và cơ quan này có trách nhiệm quản lý và xử lý tài sản theo đúng quy định pháp luật.
Riêng đối với 100 USD tịch thu của Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (tiệm vàng Thảo Lực) và 2.260.000 đồng tịch thu từ ông Nguyễn Cà Rê cũng sẽ được chuyển vào Kho bạc Nhà nước và hạch toán nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trao đổi về số tài sản liên quan đến vụ việc xảy ra trước đó sẽ được tịch thu và đấu giá, ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực tỏ ra khá bất ngờ và cho rằng, ông không hề nhận được thông tin từ cơ quan chức năng cho biết về việc xử lý số tài sản của mình. “Hiện gia đình đang tham vấn một số luật sư và đang cân nhắc sẽ khởi kiện”- ông Lực nói.
Nhiều uẩn khúc cần được làm rõ
Xung quanh vụ việc, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của người dân. Bà Lê Thị M. (70 tuổi), ngụ quận Ninh Kiều nói: “Tôi và nhiều bà con ở đây thấy hoang mang quá. Thời gian qua, tôi cũng thường được người thân tặng vài trăm đô mỗi dịp Tết. Mỗi lần nhận tiền và đổi tiền đô sang tiền Việt, hầu như đều đến các tiệm vàng ở khu vực này đổi. Tôi cũng không để ý mấy quy định phải đổi đô la ở các nơi được cấp phép. Trên thực tế, tôi cũng chẳng biết chỗ nào được cấp phép hay không, lâu nay đổi ở tiệm vàng nhanh gọn đỡ phức tạp”.
Còn Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) cho rằng có một số điểm bất thường trong vụ việc này. Nếu trong trường hợp cơ quan chức năng ghi trong “lệnh” khám xét là chỗ ở, nhưng trên thực tế ngoài khám xét chỗ ở, cơ quan chức năng lại khám xét cả trụ sở, cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thẩm quyền khám xét nơi cất giấu phương tiện, tang vật là chỗ ở thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, nhưng ở đây, địa điểm tiệm vàng Thảo Lực vừa là chỗ ở, vừa là trụ sở của doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực do ông Lê Hồng Lực làm giám đốc), phải ghi rõ khám xét “chỗ ở và trụ sở của doanh nghiệp”.
Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rõ chủ tịch UBND quận chỉ có thẩm quyền ban hành lệnh khám xét chỗ ở của công dân, không quy định chủ tịch UBND cấp quận được ban hành lệnh khám xét trụ sở doanh nghiệp.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 24/1, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Dương Tấn Hiển đã ký quyết định khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với căn nhà số 40 Nguyễn Đức Cảnh (tiệm vàng Thảo Lực), do ông Lê Hồng Lực làm chủ. Tuy nhiên mãi đến ngày 30/1, Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ mới tiến hành khám xét nhà, trùng với thời điểm bắt quả tang tiệm vàng mua 100 USD của ông Rê. Biên bản thể hiện việc khám xét được thực hiện theo quyết định được ký 6 ngày trước. Còn số tài sản liên quan là 100 USD vừa đổi của ông Rê và 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo do không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên đã bị tạm giữ...
Nhưng các luật sư lại cho rằng, việc công an khám xét tiệm vàng dựa theo lệnh được ký 6 ngày trước khi bắt quả tang đổi 100 USD là không đúng. Vì lệnh khám xét được ký ngày 24/1 ghi rõ “khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính là nhà ở”, trong khi thời gian này chưa rõ tang vật là gì hay tiệm vàng vi phạm điều gì, và mãi sau 6 ngày sau, tức ngày 30/1 Công an mới bắt quả tang việc vi phạm hành chính của tiệm vàng, cụ thể là mua 100 USD của anh thợ điện.
Tuy nhiên, thông tin với báo chí, Thượng tá Trần Văn Dương - Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Cần Thơ - khẳng định việc khám nhà là đúng quy trình, quy định pháp luật. Trong quá trình trinh sát cơ quan công an đã có cơ sở từ trước mới xin lệnh khám xét. Còn việc khám xét nhà trùng thời điểm với bắt quả tang tiệm vàng đổi 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê cũng không có gì bất thường.