Năm nay, đại lễ Vu Lan diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đối phó với đại dịch Covid-19, đây là dịp báo ân, báo hiếu đặc biệt là nghi thức cầu siêu các anh hùng liệt sỹ, nạn nhân chết do dịch Covid-19. Đây cũng thể hiện tính thần hiều đạo tứ trọng ân trong nhà Phật.
Khoá lễ Vu Lan do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức có sự tham gia của chư tôn đức và 500 Tăng, Ni sinh. Đây là những vị Tăng, Ni vừa kết thúc 3 tháng an cư kết hạ theo truyền thống phật giáo. Do đại dịch Covid-19, toàn thể Tăng, Ni sinh, giảng sư của Học viện thực hiện giãn cách xã hội theo hình thức cấm túc, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Khoá lễ Vu Lan được truyền trực tuyến thông qua nền tảng mạng xã hội. Đây là khoá lễ đặc biệt, nguyện cầu quốc thái dân an, bệnh tật tiêu trừ và cầu siêu cho những nạn nhân chết do đại dịch Covid-19. Đây cũng thể hiện tinh thần báo ân, báo hiếu, tứ trọng ân của nhà Phật.
Tăng sinh Thích Minh Thuần HVK8.4 cho biết: “Là một vị tu hành, nhưng cũng là một công dân. Tôi cảm thấy xót thương, chia sẻ với những khó khăn của lực lượng tuyến đầu chống dịch và những nạn nhân xấu số đã mất vì dịch covid. Là người con Phật, tôi nguyện làm nhiều việc thiện có ích cho đời, giáo hoá chúng sinh cùng làm nhiều việc tốt. Đại lễ Vu Lan nhắc nhở chúng ta luôn sống phải biết báo ân, báo hiếu”.
Tứ trọng ân trong Phật giáo đó là: Ân trời đất; ân quốc gia; ân thầy tổ, thầy dạy, và cha mẹ, ông bà; ân đồng bào, xã hội. Tứ trọng ân đã trở thành nguồn sống tinh thần trong tâm thức con người: Tri ân và báo ân. Khi đất nước khó khăn đối phó với đại dịch Covid-19, Tăng, Ni sinh Học viện thực hiện nghiêm các chủ trương của Giáo hội, Chính phủ, “ai ở đâu, ở yên đó”, tích cực kêu gọi bà con Phật tử tham gia công tác thiện nguyện và đã có hàng trăm Tăng, Ni sinh viết đơn phát nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch. Tại lễ Vu Lan báo hiếu đêm nay, họ đã thắp lên những ngọn nến với lòng thành kính tri ân đến sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ.
Hoà thượng Thích Thanh Ân chia sẻ: “Học viện Phật giáo Hà Nội là cơ sở giáo dục Phật giáo nên chúng tôi đề cao giáo dục đạo đức cho Tăng. Ni sinh, từ đó để họ có ý thức chăm lo cho cộng đồng, trở thành những người con Phật… Trong những giá trị văn hóa đạo đức nền tảng làm nên cội nguồn văn hóa Việt Nam thì Văn hóa biết ơn đã trở thành nét đẹp truyền thống linh thiêng, cao quý và gần gũi của mỗi người Việt nam. Một xã hội thật sự tốt đẹp là khi được xây dựng vững vàng trên những nền tảng những đạo lý sâu sắc. Với dân tộc Việt Nam, lòng biết ơn được thể hiện ở việc phụng thờ tổ tiên, tôn vinh các bậc tiền bối, anh hùng liệt sĩ có công với đất nước, giang sơn”.
Những ngọn nến được thắp lên trong đêm Vu Lan và được truyền tay nhau tại khoá lễ. Đó là niềm tin, sự sẻ chia nhân lên tình thương bao la của những người con gửi gắm đến đấng sinh thành, sự tri ân đối với các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho người dân có cuộc sống hạnh phúc ấm no như ngày nay….
Lễ Vu lan là dịp để mỗi người nhìn nhận lại, mình đã nhận được bao nhiêu nguồn sống tình thương của mọi người xung quanh mình, của cộng đồng để thực hành hạnh hiếu mọi lúc mọi nơi theo tinh thần của Phật giáo.