“Em à, chị lại lỡ hẹn mùa vu lan rồi, nhớ lên chùa cầu bình an cho cả nhà và cho người chị xa xứ này nhé”. Chị họ tôi sụt sùi trong điện thoại. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này là chị lại rưng rưng gọi về…
Da diết nhớ quê
Đó là tâm sự của chị Quỳnh, người gốc Hà Nội định cư nhiều năm ở Toronto (Canada). Chị bảo, cứ mỗi mùa vu lan về lòng chị lại như lửa đốt. Chị Quỳnh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, mồ mả của các cụ thân sinh ra chị nằm lại nơi chôn rau, cắt rốn. Sau bao va đập của cuộc đời may mắn đã mỉm cười với chị khi tìm được bến đỗ bình an bên người chồng gốc Canada hết mực yêu thương. Đến được miền đất hứa nhưng trong lòng chị luôn đau đáu nỗi nhớ nhà, lo chẳng có ai chăm sóc mồ mả tổ tiên và cha mẹ. Thế nên, mỗi mùa vu lan về nỗi nhớ quê hương càng da diết hơn.
Mấy năm gần đây chị Quỳnh cũng đã tìm đến những ngôi chùa Việt nơi đất khách để cầu bình an cho gia đình. Mỗi lần đi chùa chị đều dẫn theo chồng và cô con gái nhỏ. Alex, chồng chị rất chia sẻ với nỗi nhớ quê của vợ. Anh bảo, phong tục tưởng nhớ người đã khuất của Việt Nam thật đẹp. Anh yêu vợ mình và yêu cả nền văn hóa Việt Nam. Và mỗi dịp này, anh lại thu xếp công việc cùng vợ lên chùa. Chắp tay thành kính trước tượng Phật Alex bảo thấy mình cũng giống như người Việt Nam vậy.
Giống như chị Quỳnh, Nguyễn Thảo Hạnh Huế, cô gái người Đà Nẵng định cư theo chồng tại Pháp tâm sự “Càng gần đến ngày lễ vu lan, tôi càng thấy nhớ quê nhà nhiều hơn”. Hạnh Huế cho biết, cô nhớ như in những ngày rằm tháng 7 khi còn ở Việt Nam. Đây là ngày xá tội vong nhân, thế nên mẹ tôi mua rất nhiều đồ chay để cúng chúng sinh. Mẹ bảo như vậy, những vong không có người chăm sóc có thể được lộc rơi, lộc vãi trong dịp này. Hạnh Huế cho hay, hồi ấy mẹ giải thích nhiều lắm thế nào là vu lan báo hiếu, thế nào là xá tội vong nhân…. Trẻ con chẳng hiểu gì, gia đình điều kiện khó khăn đói kém quanh năm, chỉ mong đến rằm tháng Bảy mẹ mua nhiều đồ cúng về để được thụ lộc. Thế nhưng giờ lớn rồi mới hiểu hết ý nghĩa của lễ vu lan báo hiếu, thế mà giờ này mình lại sinh sống ở… rất xa.
Chùa Việt nơi đất khách
Phương Ly, một người con xa xứ du học và định cư ở Pháp chia sẻ, hồi còn ở trong nước vào dịp này cô theo mẹ ra chùa lễ Phật. Nhà chùa vào dịp này thường nấu rất nhiều cháo, múc vào những chiếc lá đa … đặt dọc những con đường làng để cúng. Ai ai cũng thành tâm niệm Phật, cầu cho các vong hồn siêu thoát. Mẹ cô cũng sắm một chút lễ gọi là lòng thành, đốt cho người quá cố.
“Giờ xa mẹ, xa nhà tới nửa vòng trái đất, không còn cơ hội đi chùa với mẹ, nhưng tôi vẫn lên ngôi chùa Việt” – Phương Ly nói và cho biết, ở Pháp gần nơi cô trọ học, có một ngôi chùa của người Việt tên là Từ Dung, rất nổi tiếng. Chùa được xây theo kiến trúc của những ngôi chùa Việt Nam. Đây là nơi bà con kiều bào ở nhiều vùng, từ Paris, Luxembourg… lui tới những hôm rằm, mùng một, đặc biệt là rằm tháng 7.
Minh Hiếu, du học sinh chuyên ngành kinh tế tại Montpellier (mới chuyển về Metz, Pháp) theo đạo Phật. Vì thế, đối với cô, việc lên chùa vào dịp này không chỉ là một nhu cầu mà còn là một nghi lễ mang tính tâm linh. Hiếu tâm sự, vào rằm tháng bảy, chị thường đi chùa để lấy pháp (sớ) cầu cho cha mẹ, người thân trong gia đình mình luôn bình yên, hạnh phúc, coi như là một cách báo hiếu của đứa con xa quê với mẹ cha, gia đình.
Tự nhận mình vô tâm hơn các bạn nữ, nhưng Anh Minh, du học sinh Việt ở Australia cho biết, tìm một ngôi chùa để được tĩnh tâm, cầu nguyện an lành cho gia đình cũng là nhu cầu của cậu vào ngày rằm tháng 7. Chính vì thế, những ngày này, cậu thường “tháp tùng” các bạn nữ tới chùa để thắp một nén hương bái vọng về quê hương.
Minh cho biết thêm, gần đây, trên mạng xã hội, cậu và một nhóm các bạn trẻ xa xứ có tổ chức một cuộc thi ảnh Vu Lan báo hiếu. Đây sẽ là nơi để các bạn chia sẻ cảm xúc, tình cảm của mình cũng như giới thiệu về ngày lễ giàu tính nhân văn của dân tộc.
Tự hào về truyền thống của dân tộc
Phương Ly tâm sự, chồng cô là người Pháp. Từ ngày kết hôn với cô và được đến thăm Việt Nam, anh biết về ngày lễ Vu lan của người Việt. “Anh ấy rất xúc động với truyền thống này của Việt Nam. Điều đó làm tôi vô cùng tự hào về nguồn cội của mình”, Phương Ly nói. Cô cũng cho biết, ở Pháp, hằng năm có một ngày tưởng niệm người đã khuất và những vong linh nhưng nhiều người ít khi nghĩ đến. Người Pháp cũng không nhớ ngày giỗ, không đi thăm mộ ông bà, tổ tiên như ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.
Còn Anh Minh kể rằng, thấy cậu và các bạn nữ Việt Nam lên kế hoạch đi chùa vào ngày rằm tháng 7, rất nhiều bạn trẻ châu Âu và Australia tỏ ra ngạc nhiên và thích thú. Nhiều người còn đề nghị Minh kể về tục lệ này của người Việt, thậm chí đề nghị cho họ cùng tham gia.
Vu Lan báo hiếu là hoạt động văn hóa tâm linh mang đậm nét truyền thống. Rằm tháng 7 - Tết Vu lan báo hiếu, dịp xá tội vong nhân... từ lâu ăn sâu vào tiềm thức mỗi người Việt. Vì thế, dù xa quê nhưng cứ vào dịp này, nỗi nhớ nhà, nhớ về ngày lễ cổ truyền của dân tộc lại ngân lên trong mỗi trái tim người xa xứ.