Ngày 10/12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Đức Chung (54 tuổi, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và các đồng phạm trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C.
Liên quan vụ án này, bị cáo Võ Tiến Hùng, cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước và Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Công ty Arktic cùng hầu tòa với vai trò đồng phạm của bị cáo Chung về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, bị truy tố theo Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ 10-15 năm tù. Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) còn triệu tập người, đại diện người liên quan như: Bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung), đại diện UBND TP Hà Nội, đại diện Công ty Arktic, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội...
Theo nội dung vụ án thể hiện, tháng 8/2016, bị cáo Nguyễn Đức Chung ban hành Thông báo số 308 để chỉ đạo đàm phán mua độc quyền Redoxy 3C từ Công ty Watch Water (ở nước Đức). Sau đó, bị cáo Chung lại nói với bị cáo Hùng không mua hóa chất của hãng với giá 8,5 Euro/kg mà yêu cầu mua qua Công ty Arktic với giá 295.000 - 326.000 đồng/kg. Bị cáo Võ Tiến Hùng nói với cấp dưới tại Công ty Thoát nước ký 15 hợp đồng mua Redoxy 3C với đối tác Arktic khi chưa được UBND thành phố phê duyệt. Bị cáo Nguyễn Trường Giang tiếp nhận chỉ đạo của Nguyễn Đức Chung để hợp thức hóa việc phân phối độc quyền Redoxy 3C, cùng bà Hoa mua, bán phần vốn góp của Công ty Arktic lòng vòng, không rõ ràng để đối phó, che giấu các sai phạm của bị cáo Giang và bị cáo Chung.
Tuy nhiên, nội dung trong cáo trạng của Viện Kiểm sát cho rằng, trong quá trình điều tra bị cáo Chung không thừa nhận sai phạm, bị cáo Chung có nhiều thành tích công tác, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nên đề nghị xem xét đánh giá trong quá trình xét xử.
Trong phiên xét xử ngày 10/12, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã kiến nghị HĐXX cho triệu tập một số người có mặt trong buổi thử nghiệm hóa chất tại hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào chiều 31/7/2016, trong đó có ông Nguyễn Thế Hùng, nguyên Phó Chủ tịch TP Hà Nội. Bên cạnh đó, bị cáo Chung cũng kiến nghị tòa triệu tập một người tham gia quá trình đề xuất, đàm phán việc mua chế phẩm Redoxy 3C và cung cấp cho HĐXX nhiều văn bản liên quan vụ án, trong đó có Nghị quyết 31 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội về công tác xử lý ô nhiễm môi trường năm 2017. Những kiến nghị của bị cáo Chung được HĐXX ghi nhận và cho biết trong quá trình xét xử sẽ cho triệu tập những người liên quan khi thấy cần thiết.
Trong phiên xét xử, bị cáo Chung cho biết Công ty Ariktic do Nguyễn Đức Hạnh (con trai ông Chung và bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa) cùng Đào Xuân Tấn thành lập. Sau đó, công ty được Nguyễn Trường Giang tiếp nhận để làm giám đốc và mình không tham gia điều hành, góp tiền hay bàn bạc bất cứ vấn đề gì với Nguyễn Trường Giang về Công ty Arktic. Đồng thời, bị cáo Chung phủ nhận đã gây thiệt hại cho UBND thành phố với số tiền hơn 36 tỷ đồng như Viện Kiểm sát quy kết.
Ngày 11/12/2020, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”. Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 5/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, điều tra vụ án hình sự về các tội “buôn lậu”, “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “rửa tiền” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan. Quá trình điều tra xác định, ông Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa đều là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Đức Chung còn bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan.