Theo người dân địa phương, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực quanh bãi rác Đông Thạnh chưa được giải quyết thì nạn nhân mắc bệnh ung thư nơi đây đang gia tăng một cách kỳ lạ, người dân đã phải nộp đơn lên Tòa án nhân dân TP.HCM kêu cứu...
Xe chở rác từ bãi rác Đông Thạnh chạy ra (Ảnh chụp ngày 23-6)
Rác độc hại và nguy cơ gia tăng bệnh ung thư
Trong hai ngày 23 và 24-6, chúng tôi trở lại bãi rác Đông Thạnh. Trước cổng bãi rác, nhiều xe rác vẫn chạy vào và trở ra. Nhiều người dân ở đây cho biết, dù đã có lệnh đóng cửa nhưng hàng ngày xe chở rác độc hại vẫn hoạt động. Nước rỉ chảy từ thùng xe chở rác chảy cả ra đường, gây ô nhiễm và rất hôi thối. Mùi hôi thối từ bãi vẫn bay vào nhà dân khó chịu. Nước giếng khoan ở trong khu vực này có màu vàng, hôi thối không thể dùng để ăn uống được… Vợ chồng ông Đỗ Văn Tý, nhà ở ấp 7, trước cổng bãi rác Đông Thạnh cho biết, giếng nhà họ và bà con xung quanh đã khoan sâu tới 75m vẫn không dùng được. Cũng theo nhiều người dân ở đây, họ được chính quyền TP.HCM hỗ trợ tiền độc hại là 25 ngàn đồng/ người/ tháng. Những năm gần đây, tình trạng người dân ở đây chết vì ung thư ngày một tăng. Mỗi năm, có hàng chục người chết vì ung thư. Mới đây có những người như: chồng bà Lê Thị Kỳ nhà số 46, ấp 7, đường Đặng Thúc Vịnh, xã Đông Thạnh là ông Thái Văn Thâu (SN 1957) vừa mất vì bệnh ung thư gan vào ngày 11-6-2015; ông Nguyễn Văn Chè, còn gọi là Hai Chè, là trưởng ấp 7; ông Nguyễn Quận; bà Lê Thị Thủy; ông Út; ông Huỳnh Hòa… Ngoài ra, số người đang bị bệnh ung thư ở đây cũng lên đến con số hàng chục người, chưa biết lúc nào thì sẽ “ra đi”, như: anh Phúc, chị Đoan, bà Sang... Cứ thế, bao năm nay bản danh sách những người chết vì ung thư cứ dài ra. Điều đáng buồn hơn là hầu hết những người dân ở đây, đặc biệt là những người bị ung thư, đều nghèo, không có điều kiện chữa trị. Dẫu chưa có kết luận nguyên nhân của bệnh ung thư ở đây là do ô nhiễm môi trường gây ra nhưng hiện trạng mỗi năm có hàng chục người chết vì ung thư đang gây hoang mang, bất an cho người dân. Họ mong muốn các cơ quan khoa học, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra và giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm, bệnh tật để giúp người dân an tâm sinh sống làm ăn. “Nguyện vọng của chúng tôi là được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế để có tiền chữa bệnh, chứ gia đình nghèo quá, không có tiền mua thẻ bảo hiểm y tế. Ông nhà tôi bị ung thư mất, nhiều người xung quanh đây cũng mất vì ung thư nên chúng tôi rất lo sợ”- bà Diệu than thở.
Khởi kiện
Sau nhiều lần khiếu nại lên chính quyền, ông Trần Văn Ước (người đại diện cho các hộ dân địa phương) nhận được văn bản số 625/TNMT-TTS của Sở TN-MT trả lời là Sở này căn cứ Văn bản số 1283/TCMT-QLCT&CTMT của Tổng cục Môi trường ký ngày 7-8-2013 đã cho phép Công ty Môi trường đô thị TP. HCM được tiếp tục “vận hành thử nghiệm hầm chôn lấp chất thải nguy hại” ở đây. Trong văn bản này, Tổng cục Môi trường cũng không nói rõ việc chôn lấp chất thải nguy hại khi nào thì chấm dứt.
Ngày 6- 3-2015, ông Trần Văn Ước làm đơn gửi Tòa án TP.HCM khởi kiện lãnh đạo Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ TN-MT). Theo đơn khởi kiện của ông Ước thì văn bản của Tổng cục Môi trường đã vi phạm những quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Cụ thể tại điều 7 quy định những hành vi bị nghiêm cấm, gồm có: “Chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng nơi quy định và quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường (khoản 4)”; “Thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước” (khoản 5); “Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hoá vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép” (khoản 6).
Luật sư Trần Đình Dũng (người tư vấn pháp lý cho việc khởi kiện này) cho biết: “Nếu căn cứ vào quy định vừa nêu, thì công văn của Tổng cục môi trường cho phép chôn lấp thí điểm đã tiếp tay cho việc chất thải nguy hại đổ cẩu thả không theo quy trình khoa học về xử lý chất thải nguy hại, vi phạm pháp luật. Đồng thời, việc cho phép thí điểm xử lý chất thải nguy hại ngay khu vực đầu nguồn sông Sài Gòn sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa đến sinh mạng của nhiều người dân ở TP. HCM”. Ngày 16-3-2015, thay mặt Tòa án TP.HCM, Thẩm phán Thái Văn Tuấn gửi Thông báo sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện cho ông Trần Văn Ước, đề nghị ông Ước bổ sung, sửa đổi đơn khởi kiện: Người bị kiện là Tổng cục Môi trường thay cho người bị kiện là lãnh đạo tổng cục. Ngày 27-3-2015, ông Ước đã sửa và nộp đơn lại cho Tòa, đang chờ thụ lý.
“Trong vụ việc này, có hàng trăm người dân ở Đông Thạnh có quyền lợi liên quan. Họ từng làm đơn tập thể kêu cứu, tố cáo về tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây. Tuy nhiên, khi khởi kiện hành chính, để tránh những phức tạp về mặt thủ tục, chúng tôi đã thống nhất chỉ mình ông Trần Văn Ước đứng đơn khởi kiện. Khi có lệnh triệu tập của Tòa, những người dân liên quan sẽ đến làm việc”- luật sư Dũng cho biết thêm.