Chiều ngày 25/8, Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp báo về kết quả điều tra ban đầu vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.
Quang cảnh buổi họp báo.
Đây vụ phá rừng Pơ mu tại tiểu khu 351, gần cột mốc biên giới 717, nơi giáp ranh huyện Nam Giang (Quảng Nam) và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào, là vụ án rất nóng trong suốt thời gian qua tại Quảng Nam, rất đươc dư luận chú ý.
Đối với vụ phá rừng Pơ mu này, ngay sau khi nhận được thông tin, sáng ngày hôm sau nhóm phóng viên, cộng tác viên của Báo Đại Đoàn Kết đã vượt hàng trăm cây số, băng rừng, vượt núi có mặt tại hiện trường ghi nhận vụ việc và liên tục có tin bài phản ánh, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án.
Dư luận không khỏi bức xúc, bởi trước vào tối 10/5, UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) tổ chức lễ công bố 725 cây Pơ mu được công nhận cây di sản Việt Nam.
Công an tỉnh Quảng Nam tại buổi họp báo.
Đến ngày 20/6, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tuyên bố đóng cửa rừng. Thế nhưng Quảng Nam lại để xảy ra vụ phá rừng ngay tại vùng biên giới.
Sau khi vụ việc này xảy ra, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc.
Theo ông Thu, vụ việc phá rừng nói trên “là vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng”.
Bởi “rừng Pơ mu bị tàn phá nằm trong địa bàn quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt của khu vực biên giới; tình tiết vụ việc có dấu hiệu bao che, dung túng của cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ; gây hoài nghi, mất niềm tin trong nhân dân và tạo dư luận xã hội không tốt. Vì vậy cần phải truy cứu và xử lý nghiêm túc các sai phạm và làm rõ, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan”.
Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Nam truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm vụ việc này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu điều tra và báo cáo với Thủ tướng về vụ việc phá rừng này.
Vụ việc đến nay không chỉ kiểm đếm có trên 60 cây pơ mu bị tàn phá, cành, gỗ còn bỏ ngỗn ngang tại hiện trường, mà các cơ quan chức năng còn phát hiện đến 5 địa điểm chôn cất gỗ chỉ cách Trạm Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc và trụ sở Chi cục Hải quan huyện Nam Giang từ 50 đến 500 mét. Đã có 4 cán bộ (3 của BĐBP và 1 Chi cục Hải quan huyện Nam Giang đã bị tạm đình chỉ công tác).
Hiện trường phá rừng Pơ mu ở huyện miền núi Nam Giang.
Tại buổi họp báo, Đại tá Huỳnh Sông Thu, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: Theo kết quả điều cho thấy, qua kiểm tra tại hiện trường phát hiện 297 phách gỗ khoảng 31,73 m3 khối gỗ, xét thấy tính chất quan trọng của vụ việc, ngày Hạt Kiểm Lâm Nam Sông Bung ra quyết định khời tố vụ án.
Mở rộng điều tra Công an huyện Nam Giang phát hiện 611 phách, 8 lóng gỗ có khối lượng 46,437 m3 khối gỗ.
Cùng với các biện pháp điều tra, Cơ quan CSĐT (PC46) Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường xác định: “Có 60 cây gỗ Pơ mu bị chặt hạ với khối lượng 115,42 m3 nhóm IIA gốc gỗ Pơ mu bị bị chặt phá lấy gỗ, trong đó tại tiểu khu 351, gần cột mốc biên giới 717, nơi giáp ranh huyện Nam Giang là 75,602 m3 gỗ, còn lại phái Lào 19 gốc Pơ mu".
Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, huyện Nam Giang và các đơn vị nghiệp vụ nên chỉ trong thời gian ngắn đã thu thập đầy đủ chứng cứ, củng cố hồ sơ, ra lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng liên quan vụ án.
Cụ thể: Ngày 26/7 bắt đối tượng Nguyễn Văn Thắng, tại xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Đây là đối tượng Nhóm trưởng khai thác.
Ngay ngày hôm sau bắt Nguyễn Văn Sanh cũng ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình là nhóm trưởng vận chuyển.
Tiếp theo các đối tượng Lê Trọng Dương quê Thanh Hóa, nhóm phó khai thác; Nguyễn Văn Quang, ở Bắc Trà My, Quảng Nam thuộc nhóm tổ chức vận chuyển, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đối tượng phá rừng; Lê Hồng Tư, ở phường hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội, đối tượng cung cấp tài chính cho Quang để trả tiền khai thác vận chuyển..
Ngoài ra còn có 3 đối tượng khai thác ra đầu thú và đã xác định được 11 đối tượng vận được thuê vận chuyển gỗ.
Gỗ Pơ mu phát hiện cách trụ sở hải quan và Trạm Biên phòng từ 50m - 500m.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về số phận của 4 cán bộ (3 của BĐBP và 1 Chi cục Hải quan huyện Nam Giang) đã bị tạm đình chỉ công tác hiện nay như thế nào, cũng như qua đây chúng ta rút ra bài học gì từ công tác quản lý bảo vệ rừng?
Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: “Việc các cán bộ Biên phòng bị tạm đình chỉ là do cơ quan biên phòng quyết định và có liên quan hay không là do họ điều tra, đến nay như thế nào, kết quả ra sao chúng tôi cũng chưa nắm được”.
Ông Lợi khẳng định: “Đây là vụ việc nóng, có tổ chức, nhưng đến giờ chưa có chứng cứ phát hiện những cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn có dấu hiệu bao che hay bảo kê cho những kẻ phá rừng. Đây mới là kết quả ban đầu, vụ việc sẽ còn tiếp tục điều tra. Nhưng những câu hỏi, khai thác gỗ để làm gì, số lượng gỗ phát hiện ở gần Trạm Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc và trụ sở Chi cục Hải quan huyện Nam Giang có phải là gỗ bị khai thác ở tiểu khu 351 hay không? Cán bộ Bộ đội biên phòng, Chi cục Hải quan có liên quan đến vụ án hay không nhất định phải được làm rõ và trả lời ở kỳ họp báo tiếp đến khi vụ án kết thúc!”.
Ông Lợi cũng khẳng định, Bộ đội biên phòng không làm khó dễ đối với cơ quan CSĐT trong quá trình điều tra vụ án nói trên và cho rằng, để xảy ra vụ việc phá rừng, trong đó có quá trình thực hiện sự phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa được tốt.
Trước đó Đại Đoàn Kết đã liên tục đưa tin về vụ án như “Lâm tặc tàn phá rừng pơ mu khủng” (số ra ngày 14/7); “Rừng pơ mu ‘ứa máu’ vì lâm tặc” (số ra ngày 15/7”; “Vụ phá rừng pơ mu: 'Nếu lính biên phòng sai sẽ tước quân tịch'” (số ra ngày 18/7”; “Khẩn trương làm rõ vụ phá rừng pơ mu ở Quảng Nam” (số ra ngày 20/7”; “Thủ tướng yêu cầu điều tra vụ phá rừng pơ mu tại Quảng Nam” (số ra ngày 21/7); Chủ tịch tỉnh Quảng Nam: Vụ phá rừng pơ mu ‘có dấu hiệu bao che’” (số ra ngày 22/7); “Vụ phá rừng pơ mu, có dấu hiệu tội phạm xuyên quốc gia” (số ra ngày 27/7) và nhiều tin bài khác để phán ảnh các vụ việc nói trên.