Thảm kịch rơi máy bay Boeing 737-800 ngày 21/3 đã đánh dấu thảm họa hàng không tồi tệ nhất của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua.
Những người không trở lại
Có hành khách là một người mẹ, bay đến thăm đứa con xa nhà trong vài năm; có hành khách là một cô gái trên đường đoàn tụ với hôn phu sau nhiều tháng xa cách, tất cả họ đều đã không làm được.
Thay vì chờ đợi và chào đón sự xuất hiện của những hành khách trên chuyến bay xấu số, gia đình các nạn nhân lại phải trải qua nỗi kinh hoàng sau khi máy bay Boeing 737 của Hãng hàng không China Eastern Airlines, trên hành trình từ Côn Minh đến Quảng Châu, đột ngột hạ độ cao trước khi lao thẳng xuống khu vực rừng núi Quảng Tây ở miền Nam Trung Quốc.
Các đội cứu hộ đã không ngừng tìm kiếm tại địa điểm máy bay rơi trong suốt ngày 22 và 23/3, nhưng không có bất cứ một tín hiệu khả quan nào.
Trong khi đó, những câu chuyện về các nạn nhân đang xuất hiện với tần suất dày đặc trên các phương tiện truyền thông nhà nước, cùng chân dung của 132 nạn nhân trên chuyến bay định mệnh.
Người dân trên khắp Trung Quốc đã gửi những lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân. Hai năm đóng cửa và giãn cách trong suốt đại dịch Covid-19, nỗi đau của người dân Trung Quốc lại càng trở nên sâu sắc hơn.
Theo lời chia sẻ của một người đàn ông với tờ Beijing Youth Daily, anh và người vợ tương lai đã ở bên nhau được 5 năm.
“Lần xa cách này của chúng tôi kéo dài tận bốn tháng, chúng tôi thực sự rất nhớ nhau”, anh khóc.
Vợ tương lai của anh ban đầu dự định bay đến Quảng Châu để gặp chồng sắp cưới vào ngày 22/3, nhưng do quá háo hức sau nhiều tháng trời xa cách, cô đã đổi sang chuyến bay sớm hơn - chuyến bay xấu số MU5735.
Một người phụ nữ khác chia sẻ rằng, cô đã sống ở nước ngoài vài năm và đã lâu không được gặp mẹ.
Mẹ cô đang trên đường đến thăm và ban đầu dự định quá cảnh qua Thượng Hải - nhưng theo lời khuyên của một công ty du lịch, bà đã thay đổi chuyến bay đi qua Quảng Châu.
Trong số các hành khách thiệt mạng có một cô gái trẻ, theo thông tin chia sẻ từ tờ Beijing Youth Daily. Là một sinh viên ở thành phố Côn Minh, cô đang trên đường trở về quê nhà ở Quảng Châu để tổ chức sinh nhật lần thứ 16 cùng bạn bè và gia đình.
Cô không hề hay biết, bạn bè của cô đã lên kế hoạch cho một bữa tiệc bất ngờ. Trước khi lên máy bay, cô đã nhắn tin cho một người bạn rằng: “Khi gặp lại tất cả các bạn, tôi sẽ ôm mọi người thật chặt”.
Những hành khách khác trên chuyến bay MU5735 cũng bao gồm nhiều chuyên gia trẻ đang đi công tác và các cặp vợ chồng mới cưới, theo truyền thông nhà nước.
Câu hỏi chưa có lời giải đáp
Thảm kịch rơi máy bay Boeing 737-800 ngày 21/3 đã đánh dấu thảm họa hàng không tồi tệ nhất của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua.
Nguyên nhân của vụ tai nạn hiện vẫn chưa được xác định. Chiếc máy bay đang "bay rất bình thường" trước khi bất ngờ rơi từ trên cao và mất liên lạc hoàn toàn với hệ thống kiểm soát mặt đất, chỉ hơn một giờ sau khi chuyến bay cất cánh, đại diện hãng hàng không cho biết tại một cuộc họp báo tối ngày 22/3.
Hơn 2.000 nhân viên cứu hộ khẩn cấp đã được triển khai tới hiện trường, tìm kiếm 'hộp đen' chứa dữ liệu chuyến bay và máy ghi âm buồng lái. Đây sẽ là manh mối quan trọng nhất giải thích toàn bộ câu chuyện, cũng như cách mà thảm kịch này xảy ra. Cuộc tìm kiếm đã bị tạm dừng từ sáng ngày 23/3 do mưa lớn.
Hôm 23/3, các quan chức khôi phục được thứ mà họ tin là máy ghi âm buồng lái, một trong hai “'hộp đen' của chiếc Boeing 737-800 China Eastern Airlines.
Máy ghi âm, một trong hai hộp đen trên máy bay, được tìm thấy hư hỏng cả vỏ bên ngoài và bộ phận ghi bên trong, sẽ được gửi ngay lập tức đến Bắc Kinh để giải mã và phân tích, tốc độ của quá trình phân tích sẽ phụ thuộc vào mức độ thiệt hại của máy ghi âm.
Hãng hàng không China Eastern Airlines đã liên lạc với gia đình của tất cả các hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay, theo tờ Global Times. Một số người đã tập trung tại sân bay Quảng Châu, nơi chuyến bay dự kiến hạ cánh, chờ đợi tin tức về người thân của họ.
Những người khác đang tìm đường đến Ngô Châu, khu vực gần nơi xảy ra vụ tai nạn. Một số khách sạn trong thành phố đang chuẩn bị phòng để tiếp đón các gia đình nạn nhân.
Một cuộc điều tra của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) đang diễn ra, với sự tham gia của Ban An toàn Vận tải Quốc gia Mỹ và Cục Hàng không Liên bang Mỹ. Nhưng có thể sẽ mất vài tháng, hoặc thậm chí vài năm để tìm ra câu trả lời chính xác nhất.
Báo cáo cuối cùng về vụ tai nạn gây chết người năm 2010 của Hãng hàng không Henan đã không được công bố cho đến gần hai năm sau đó.
Các nhà điều tra về vụ tai nạn hàng không hôm 22/3 đã cảnh báo rằng, cuộc điều tra về nguyên nhân của vụ tai nạn sẽ vô cùng "khó khăn" do máy bay bị hư hại nghiêm trọng.
“Vì cuộc điều tra chỉ mới bắt đầu, chúng tôi không thể đưa ra phán đoán rõ ràng về nguyên nhân vụ tai nạn với những thông tin ít ỏi chúng tôi có được cho đến nay. Nhóm điều tra sẽ không nỗ lực để thu thập bằng chứng từ tất cả các bên và sẽ tập trung vào việc tìm kiếm”, một quan chức CAAC cho biết.
Vụ tai nạn đã gây ra một làn sóng thương tiếc bao trùm khắp mạng xã hội Trung Quốc. Các bài đăng liên quan đến thảm kịch có tới trăm triệu lượt xem, tuy nhiên nhiều người dân đã yêu cầu những người đăng bài tôn trọng quyền riêng tư cũng như gia đình nạn nhân.
Các nhà điều tra cho biết họ không tìm thấy bất cứ người sống sót nào sau thảm họa hàng không tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ của Trung Quốc.
Những hình ảnh và cảnh quay về vụ tai nạn đã làm sâu sắc thêm nỗi kinh hoàng trên toàn quốc - đặc biệt là đoạn video do một công ty khai thác mỏ quay gần địa điểm gặp nạn, cho thấy hình ảnh một chiếc máy bay lao nhanh về phía khu rừng, mũi máy bay gần như thẳng đứng.
Máy bay của hãng China Eastern Airlines đã lao xuống từ độ cao hơn 7.600 mét trong vòng chưa đầy hai phút. Các dữ liệu chuyến bay ngừng cập nhật từ 14h22 phút ngày 21/3 theo giờ địa phương, khi máy bay có tốc độ bay khoảng 696 km/h.
Đối với người dùng trên mạng xã hội Weibo, thảm kịch đau lòng này càng trở nên trầm trọng hơn bởi những khó khăn trong cuộc sống giữa đại dịch Covid-19, khi vô số gia đình bị phân tán và không thể gặp nhau.
Và đặc biệt là khi Trung Quốc hiện đang phải kiên cường chiến đấu với làn sóng Covid-19 lớn nhất kể từ thời điểm Vũ Hán năm 2020, thảm kịch này càng giống như một cú sốc tấn công trực diện vào quốc gia tỷ dân.
“Họ đáng lẽ đã có thể về tới nhà để đoàn tụ và đi du lịch cùng gia đình sau khoảng thời gian dịch bệnh kéo dài mệt mỏi”, một người viết trong một bài đăng trên mạng xã hội Weibo. “Sân bay Quảng Châu vẫn có tất cả những người họ yêu quý nhất”.
“Trong hai năm qua, chúng tôi đã bỏ lỡ quá nhiều điều đẹp đẽ vì đại dịch Covid-19 hoặc vì những lý do khác”, một người khác chia sẻ.
Đối với những hành khách trên chuyến bay, có lẽ mỗi người trong số họ đều nhận được những dòng tin nhắn: "Hẹn gặp lại sau", "Sắp về đến nhà rồi", "Cuối cùng thì chúng ta không cần xa nhau nữa". Nhưng cuộc đời của họ đã kết thúc ngay lúc đó, ngay thời điểm nhận được những tin nhắn cuối cùng.