Cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh đang hoàn tất thủ tục xử lý việc rừng của Ban quản lý (BQL) khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ bị chặt phá trái phép vào đầu tháng 4/2023 mà Báo Đại Đoàn Kết phản ánh. Tuy nhiên, khu vực này từng bị người dân xâm lấn nhưng chủ rừng “ngó lơ”.
Xử lý điểm chặt phá mới
Ngày 7/4, Đại Đoàn Kết Online có bài phản ánh “Hà Tĩnh: Rừng của BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ liên tục bị chặt phá”. Theo đó, đầu tháng 4/2023, PV nhận được thông tin, rừng ở Tiểu khu 311, xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị chặt phá, xâm lấn trái phép.
Kiểm tra tại hiện trường vụ phá rừng trái phép ngày 3/4, Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên xác định, có tình trạng người dân xẻ phát, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật tại Khoảnh 6b, Tiểu khu 311, xã Cẩm Quan.
Diện tích đo đếm có khoảng 0,4 ha đất, rừng bị xẻ phát, lấn chiếm. Tại hiện trường có một số cây gỗ tái sinh bị chặt hạ (phần gốc, phần thân, cành, ngọn đang còn tại hiện trường), thời gian xảy ra vụ việc khoảng 3-5 ngày trước.
Theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng (tại Quyết định 2735/QĐ-UBND ngày 15/8/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh), khu vực Khoảnh 3b, Tiểu khu 311, xã Cẩm Quan thuộc đối tượng quy hoạch sản xuất, hiện trạng là rừng trồng cây bản địa thông, keo…
Cây thân gỗ tái sinh tự nhiên, dây leo, cây bụi, thực bì đã bị chặt hạ, chưa đốt, phần thân cây và gốc cây còn nguyên tại hiện trường.
Kết quả kiểm tra hiện trường ban đầu của Hạt Kiểm lâm Cẩm Xuyên cũng xác định, hiện trạng thực tế khu vực bị xẻ phát, lấn chiếm là rừng tái sinh chưa có trữ lượng, rải rác có một số cây gỗ tái sinh. Về đối tượng phá hoại rừng, đơn vị này chưa xác định được.
Thời điểm PV Báo Đại Đoàn Kết thông tin, chủ rừng là BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ chưa nắm được thông tin về về việc phá rừng nói trên. Sau khi Hạt Kiểm lâm Cẩm Xuyên lập biên bản vụ việc, chủ rừng cử lực lượng vào kiểm tra và báo cáo chỉ có 0,2 ha rừng bị xẻ phát, lấn chiếm…!?
Đáng nói, khoảng cách từ điểm phá rừng trái phép ở Khoảnh 6b, Tiểu khu 311 xã Cẩm Quan chỉ cách Trạm bảo vệ rừng số 7, BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ chừng 1 km.
Theo ông Võ Duy Từ, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên, đơn vị đã báo cáo vụ việc đến Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, chính quyền địa phương các cấp và đang hoàn tất thủ tục xử lý.
“Phải xác định diện tích, khối lượng và đối tượng cụ thể. Trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm thì chủ rừng là BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ phải chịu trách nhiệm. Đây là tổ chức nên mức phạt sẽ gấp đôi cá nhân”, ông Võ Duy Từ thông tin.
Bỏ qua điểm phá rừng cũ?
Ghi nhận của PV tại hiện trường cũng như phản ánh của người dân địa phương, rừng tại Tiểu khu 311, xã Cẩm Quan không chỉ bị xẻ phát, lấn chiếm vào đầu tháng 4/2023.
Cách đây khoảng 2 năm, rừng tại Tiểu khu 311 bị tàn phá hàng loạt, diện tích lớn hơn rất nhiều so với điểm phá rừng vào đầu tháng 4/2023. Sau đó một thời gian, đối tượng tàn phá rừng thuê người trồng keo, hiện nay keo đã mọc lên xanh tốt.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Ninh, Giám đốc BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cho biết: Rừng tại Tiểu khu 311 chưa giao khoán cho hộ dân, đang thuộc sự quản lý của đơn vị.
“Cách đây 2-3 năm có đối tượng lên đó phát rừng, trạm đã đình chỉ” - ông Nguyễn Viết Ninh nói.
Tuy nhiên, trước đó, ông Phan Duy Khai, Phó Giám đốc và ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng, BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đều khẳng định là không phát hiện, xử lý vụ phá rừng nào ở đây.
Ngay cả ông Võ Duy Từ, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm cũng nghĩ khu vực rừng tiếp giáp ở Khoảnh 6b, Tiểu khu 311, xã Cẩm Quan đã được giao khoán cho người dân vì xung quanh keo đã thay thế hết cây tự nhiên tái sinh, chỉ còn lại phần mới bị xẻ phát vào đầu tháng 4/2023 và một ít cây thông ở phía trên đỉnh núi.
Nói về vấn đề này, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: Đơn vị sẽ chỉ đạo kiểm tra, rà soát cụ thể nội dung PV Báo Đại Đoàn Kết phản ánh. Quan điểm của đơn vị là xử lý nghiêm, đúng người, đúng vi phạm.