Tròn 1 năm sau vụ sạt lở khiến 16 hộ dân sinh sống trên đồi Tên Lửa (tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, Quảng Ninh) phải di dời khẩn cấp, đến nay nguyên nhân vụ sạt lở vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Những nguyên nhân mơ hồ
Như Báo Đại Đoàn Kết đã thông tin, vào tháng 8/2022, 16 hộ dân sinh sống trên đồi Tên Lửa (thuộc tổ 6, khu 3B phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) phải di dời khẩn cấp do một số ngôi nhà quanh khu vực khai thác đất sét của Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy bị nứt, tách tường, một căn nhà đã bị sập hoàn toàn.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, UBND phường Giếng Đáy đã di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, UBND TP Hạ Long đã yêu cầu Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy hỗ trợ tiền di chuyển, tiền thuê nhà cho các hộ dân trong khi chờ đơn vị tư vấn độc lập, có chức năng kiểm định đánh giá mức độ, nguyên nhân gây sạt lở đất và nứt công trình xung quanh khu vực khai thác sét.
Tuy nhiên, tới nay thời gian hỗ trợ tiền thuê nhà đợt 2 đã kết thúc. Các hộ dân tiếp tục phải sống trong những căn nhà trọ chật hẹp. Số phận của những căn nhà trên đồi Tên Lửa vẫn chưa được định đoạt.
Đưa phóng viên trở lại tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy vào ngày 17/8, chị Nguyễn Thị Chọn ngậm ngùi nhìn căn nhà 3 tầng xây dựng năm 2019, nay, khoảng sân trước cửa nhà đã tụt thành một rãnh sâu, nền gạch men vỡ vụn. Cả dãy xóm hơn chục căn nhà đều bị ngả về phía sau; các kết cấu công trình bên trong đều bị nứt vỡ; cả xóm bị chăng dây, treo biển “Khu vực sạt lở, sụt lún, cấm vào”.
“Chúng tôi không đồng tình với bản báo cáo đánh giá nguyên nhân sạt lở của đơn vị do Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy thuê. Trong đó, nguyên nhân do thi công đào mỏ sét lại được cho là “ảnh hưởng chưa quá lớn”, hoặc “đảm bảo hệ số ổn định cho phép” - chị Chọn nói.
Cùng sinh sống tại khu 3B nhiều năm trước đó, chị Chọn và nhiều hộ dân ở đây đều cho biết: Việc khai thác mỏ sét thành moong sâu hàng chục mét, khiến nền móng của công trình bị mất chân, gây tụt lở, sụp đổ nhà cửa. Thế nhưng, phía công ty lại cho rằng nguyên nhân do khai thác sét chỉ là 1 trong 4 nguyên nhân cộng hưởng.
Theo khẳng định của bà Nguyễn Thị Viện (Tổ trưởng tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy): Nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở nhà cửa của các hộ dân là do việc khai thác đất sét của Công ty. Nếu không có việc đào moong khai thác sét này, thì các yếu tố cộng hưởng khác như mưa lớn kéo dài, làm đường giao thông gây rung chấn, xây nhà trên mái dốc... cũng khó có tác động gây ảnh hưởng đến kết cấu nhà. Bởi lẽ, qua các trận mưa lớn trong lịch sử, như trận mưa lũ năm 2015, nhà của người dân trên đồi Tên Lửa hoàn toàn không xảy ra sự cố gì. Còn nói nguyên nhân do làm đường giao thông gây rung chấn, tại sao dãy nhà phía bên kia đồi, gần đường giao thông (đường Hạnh Phúc) lại không hề bị ảnh hưởng?
Người dân hoang mang
Vốn là người sinh ra, ổn định cư trú đến bây giờ trên đồi Tên Lửa và lại là công nhân của mỏ than Cao Sơn hơn ai hết, ông Lương Cao Dũng (70 tuổi, ở tổ 3, khu 3B, phường Giếng Đáy) hiểu rất rõ về địa chất, cũng như việc khai thác đất sét.
Ông Dũng kể: Hoạt động khai thác đất sét tại khu vực này rầm rộ nhất là cuối năm 2021. Đến gần Tết 2022, có một buổi chiều tôi nghe có tiếng nổ rung chuyển nhà cửa. Ngay đêm hôm đó xuất hiện thêm 2, 3 tiếng nổ nữa. Sáng hôm sau chúng tôi ra xem thì thấy một núi đất sét đã tụt xuống.
“Sau đó, chúng tôi đã báo cho khu trưởng, yêu cầu phường về kiểm tra. Cuộc họp dân diễn ra có ông Hoàng Ngọc Sơn (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND phường Giếng Đáy), cùng đại diện Công ty gốm. Tại cuộc họp này, tôi và các hộ dân đều nêu ý kiến, nếu cứ khai thác như thế này thì kiểu gì cũng sạt lở nhà” - ông Dũng cho biết.
Với con mắt nghề nghiệp của người thợ mỏ, ông Dũng đã chỉ ra việc khai thác xuống sâu phải thực hiện cắt tầng, mở diện… nhưng ý kiến đó đã rơi vào thinh lặng.
Hậu quả là sau đó, các vết nứt lớn xuất hiện trên đất vườn của nhiều hộ dân. Trong đó, nhà ông Dũng sập 1 gian nhà, tụt 1 bể ngầm 8m3 và 1 bể nổi 6m3. Tiếp theo đó là các dãy nhà phía sau (thuộc tổ 6, khu 3B) bị nứt tường, nứt sân. Đỉnh điểm là vào ngày 22/2/2022, căn nhà từ đường của bố mẹ anh Nguyễn Ngọc Quyết và chị Lưu Hồng Liên đã bị đổ sập.
Tìm hiểu tại UBND phường Giếng Đáy, các tài liệu văn bản cho thấy, từ ngày 25/3/2021, UBND phường đã báo cáo UBND TP Hạ Long tại văn bản số 408 về việc khai thác sét của Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy. Đến ngày 29/12/2021, UBND phường Giếng Đáy tiếp tục có văn bản số 1671, báo cáo UBND TP Hạ Long về việc nguy cơ sạt lở, gây mất an toàn trong quá trình khai thác sét của Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy.
Nhưng đến ngày 20/2/2022, UBND TP Hạ Long mới ra văn bản hỏa tốc số 957, về việc triển khai xây dựng phương án di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở tại tổ 6 khu 3B phường Giếng Đáy (?).
Tại buổi làm việc với PV Đại Đoàn Kết ngày 17/8, ông Lưu Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND phường Giếng Đáy, cho biết: Vào ngày 7/8 vừa qua, UBND thành phố đã ra quyết định phê duyệt nhiệm vụ thực hiện công tác xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục sự cố sạt lở tại tổ 6, khu 3B phường Giếng Đáy. Theo đó thành phố đã giao cho các phòng ban chuyên môn lập dự án, trong vòng 120 ngày sẽ phải thực hiện xong nhiệm vụ này.