Quá trình kiểm tra, kiểm soát bảo vệ rừng tại 42 móng trụ công trình Đường dây 500 KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu trên địa bàn thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh nhiều lần lập biên bản, báo cáo, đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công chấn chỉnh.
Rừng tự nhiên chưa chuyển đổi hết?
Như Đại Đoàn Kết đã đưa tin, khoảng 14h30 ngày 6/5, trên dãy Hoành Sơn (phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), trận mưa lớn đổ xuống cuốn theo nhiều đất đá vùi lấp lán tạm của nhóm công nhân thi công công trình Đường dây 500 KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu.
Sự cố thiên tai bất ngờ làm 3 người chết, 4 người bị thương.
Sau khi sự việc xảy ra, tỉnh Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh huy động khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ quân đội, biên phòng, công an… tổ chức ứng cứu các nạn nhân.
Cơ quan chức năng đã đình chỉ thi công móng trụ số 28 của dự án ở phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh để điều tra vụ việc.
Chủ đầu tư dự án Đường dây 500 KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu là BQL dự án các công trình điện miền Trung. Dự án có nhiều đơn vị thi công, tại nơi xảy ra sự cố, Công ty TNHH MTV xây lắp điện 4 là đơn vị thầu chính, Công ty Hồng Hoan (thị xã Kỳ Anh) thầu phụ.
Liên quan đến dự án này, chiều 7/5, ông Nguyễn Ngọc Lâm - Trưởng BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh (chủ rừng) đã trao đổi với PV Đại Đoàn Kết.
Theo đó, dự án Đường dây 500 KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu có 42 móng trụ trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, thuộc lâm phần của BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh với tổng diện tích 16,49ha.
Nơi xảy ra sự cố sạt lở làm 7 người thương vong ở gần trụ móng số 28, thuộc Khoảnh 2, Tiểu khu 389A (phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh).
Trưởng BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, trong tổng số 16,49ha rừng bị ảnh hưởng bởi dự án Đường dây 500 KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, có hơn 11,3 ha đất rừng tự nhiên và 0,0965 ha rừng trồng đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Còn hơn 5,1 ha đất rừng tự nhiên chưa được chuyển đổi.
Lý giải việc vẫn còn hơn 5,1 ha đất rừng tự nhiên chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, do quá trình xây dựng công trình, chủ đầu tư và đơn vị thi công thay đổi vị trí các trụ móng để thuận tiện cho việc thi công nên phải điều chỉnh. “Hồ sơ điều chỉnh, chuyển đổi đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, ông Lâm nói.
Chủ rừng đã từng yêu cầu chống sạt lở
Quá trình thi công dự án, Trạm bảo vệ rừng (BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh) thường xuyên kiểm tra.
Ngày 6/3/2024, đơn vị có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án là BQL dự án các công trình điện miền Trung. Cùng ngày, chủ rừng có biên bản kiểm tra hiện trường và báo cáo về việc vi phạm mở đường trái phép trên đất rừng phòng hộ đối với 1 cán bộ kỹ thuật của một đơn vị thi công công trình Đường dây 500 KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu.
Căn cứ vào các văn bản này, ngày 11/3/2024, BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã lập biên bản làm việc với các bên liên quan về việc phối hợp, quán triệt và cam kết một số nội dung liên quan đến thi công Dự án đường dây 500 KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, đoạn qua thị xã Kỳ Anh.
Tham gia, ký biên bản làm việc, có lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, đại diện Chủ đầu tư - BQL dự án các công trình điện miền Trung, các đơn vị thi công (Công ty TNHH MTV xây lắp điện 4, Công ty TNHH điện Địa Phương; Công ty CP xây dựng EVN Quốc tế 1; Công ty lắp máy và xây dựng điện IEC; Công ty CP Sông Đà 5), đại diện đơn vị tư vấn rừng là Viện khoa học lâm nghiệp Nam Bộ.
Tại đây, chủ rừng yêu cầu Chủ đầu tư quán triệt các đơn vị xây lắp, thi công theo đúng vị trí, ranh giới, diện tích các móng trụ đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Có phương án tạm sử dụng rừng cho đường công vụ theo Nghị định số 27/2024/NĐ-CP ngày 6/3/2024…
Chủ rừng cũng đề nghị các đơn vị xây lắp, trong quá trình thi công đảm bảo thực hiện theo quy định pháp luật về môi trường như: Chống sạt lở, bồi đắp khe suối, vùi lấp cây rừng và thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy.
Ông Đào Đức Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh cho biết: Dự án Đường dây 500 KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu là dự án trọng điểm quốc gia, dự kiến đến 30/6/2024 phải đóng điện. Về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, dự án này khác với các dự án khác là diện tích rừng làm đường công vụ không phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà chủ đầu tư, đơn vị thi công được “mượn tạm” đường, sau đó trồng cây hoàn trả mặt bằng. Một số thủ tục của dự án vừa làm vừa điều chỉnh, hoàn thiện.
“Chính phủ có một Nghị định riêng quy định vấn đề này, đó là Nghị định số 27/2024/NĐ-CP ngày 6/3/2024. Nghị định này là sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp”, ông Đào Đức Giang cho biết thêm.