Có lẽ Metaverse - vũ trụ ảo là những gì mà đế chế của “thung lũng Silicon” ấp ủ từ những ngày bắt đầu, một sự đảo ngược hoàn toàn trong mối tương quan giữa con người và công nghệ, giữa thực và ảo.
Ngày 28/10, Mark Zuckerberg thông báo đổi tên công ty Facebook thành Meta, đồng thời đổi logo công ty. Ông tuyên bố vũ trụ ảo sẽ là chương tiếp theo của Internet và từ giờ sẽ ưu tiên cho Metaverse hơn mạng xã hội.
Khi click vào video giới thiệu vừa qua của Zuckerberg, có thể nhiều người cho rằng nhân vật trong đó chỉ là mô hình được khắc họa giống hệt Zuckerberg, từ gương mặt đến cử chỉ. Tuy nhiên, đây chính là người thật của nhà sáng lập Facebook khi trực tiếp tham gia vào quá trình thử nghiệm vũ trụ ảo - một thế giới ảo độc quyền hoàn toàn mới của Facebook, nơi con người có thể học tập, giải trí và giao tiếp với nhau bất cứ lúc nào.
Không giống như những nền tảng số thông thường, nơi chúng ta có thể tham gia và rời khỏi bất cứ lúc nào, vũ trụ ảo hướng đến hoàn thiện những tồn tại trong thực tế - kết nối từ nơi này đến nơi khác, góp phần mang đến cho nhân loại cảm giác về một thế giới thực sự.
Những gì Zuckerberg mô tả về vũ trụ ảo mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm. Ông cho rằng Metaverse sẽ đưa người dùng vào thế giới trải nghiệm chứ không chỉ ngắm nhìn. Ví dụ, họ có thể liên lạc lập tức với văn phòng trong không gian ba chiều mà không phải đến tận nơi, hay xem buổi hòa nhạc với bạn bè khi đang ngồi ở phòng khách cùng bố mẹ.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có gì chắc chắn những tính năng như vậy có thật sự cần thiết. Hơn nữa, nó đòi hỏi sự hỗ trợ của một lượng lớn công nghệ và số người dùng đủ đông trong hệ sinh thái.
Thay vì biến công nghệ phù hợp với con người, những tính năng và trải nghiệm mới này hướng đến giúp con người từ từ thích nghi với công nghệ.
Có thể nói, Meta là giải pháp cuối cùng của Facebook nhằm thoát khỏi những rắc rối vừa qua. Facebook không thực sự an toàn với trẻ nhỏ, Facebook gặp rắc rối với chính phủ, hay tiềm năng phát triển khá bị giới hạn so với Google, Apple và Amazon, những tập đoàn lớn đã và đang phát triển các công nghệ như AI, robot và điện toán đám mây.
Ngay cả khi Facebook chiếm ưu thế trong cuộc đua vũ trụ ảo, đó cũng không phải lợi thế cạnh tranh lâu dài.
Nếu hệ sinh thái thực tế ảo dần trưởng thành, các công ty khác nhau sẽ hình thành một mô hình tương tự. Về phần cứng, Apple có thể chiếm ưu thế hơn. Nếu là một thiết bị chơi game thuần túy, Sony sẽ phù hợp hơn.
Rào cản khiến Metaverse khó có được bước tiến đủ lớn là vấn đề chính sách. Vị trí người dùng, dữ liệu cá nhân... có thể được thu thập và sử dụng trên quy mô lớn trong vũ trụ ảo, đồng nghĩa người dùng phải đối mặt nhiều rủi ro khó lường hơn.