Vụ Xuân 2017 ở Hà Tĩnh mất mùa: Ngành nông nghiệp đùn đẩy trách nhiệm

Hạnh Nguyên 15/07/2017 09:15

Việc mất mùa vụ xuân 2017 “nóng” từ đồng ruộng đến hội trường kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, khi Giám đốc Sở NNPT&NT tỉnh này- ông Nguyễn Văn Việt đăng đàn trả lời chất vấn vào sáng 14/7. Đã có 15 lượt chất vấn của 11/54 đại biểu với 29 câu hỏi dành cho lãnh đạo ngành nông nghiệp, chủ yếu “truy” nguyên nhân khiến giống Thiên Ưu 8 gây mất mùa. Tại kỳ họp, ông Lê Đình Sơn- Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Tôi đề nghị toàn hệ thống ngành nông nghiệp trả lời vấn đề này”.

Đại biểu chất vấn giám đốc Sở NNPT&NT.

Tăng trưởng nông nghiệp -3,4%

Trước câu hỏi: 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng khu vực nông nghiệp giảm 3,4%, đặc biệt là giá lợn giảm sâu, lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông trên diện rộng đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân; Đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới. Giám đốc Sở NNPT&TN tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cho rằng nguyên nhân của con số tăng trưởng âm là bởi, thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. So với cùng kỳ năm 2016 (giá lạc giảm 15,7%, giá thịt lợn hơi giảm trên 48%, giá thịt bò hơi giảm 10,6%, giá ngô giảm 11,2%,...). “Năm 2017, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh chưa lượng hóa được hết những khó khăn. Tôi thừa nhận, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành quản lý với vai trò tham mưu chỉ đạo”- ông Việt nói.

Tuy nhiên, ông Việt cũng phân tích thêm, trách nhiệm này còn là của các địa phương - với vai trò tổ chức thực hiện. Cùng đó, là những hạn chế trong hoạch định chính sách. Nói về nguyên nhân, trách nhiệm sản xuất lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông trên diện rộng, Giám đốc Sở NNPTNT cho biết: Ngành nông nghiệp Hà Tĩnh và các địa phương có phần chủ quan trong công tác chỉ đạo sản xuất, bởi giống lúa Thiên Ưu 8, qua nhiều năm sản xuất, khẳng định là giống có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, cơ bản kháng được nhiều đối tượng sâu bệnh.

Song, đại biểu Nguyễn Thị Nhuần- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và đại biểu Trần Nhật Tân- Bí thư Huyện ủy Thạch Hà đều cho rằng: Cty cổ phần giống cây trồng trung ương thiếu trách nhiệm với nông dân, trong khi đó các ngành liên quan ở địa phương lại chưa chỉ rõ trách nhiệm này. Trả lời về việc làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, ông Việt cho biết: Cty đã hỗ trợ 400 tấn giống lúa và cử cán bộ cùng với ngành, địa phương, đi kiểm tra thực địa, tuy nhiên bệnh đạo ôn cổ bông diễn ra quá bất ngờ. Trách nhiệm này là cả của ngành và cả Cty cổ phần Giống cây trồng trung ương.

Đùn đẩy trách nhiệm

Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng: Nhìn nhận của ngành về những khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp chưa thực sự sâu sắc. Ông Sơn nói: “Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp âm 3,4%, trong khi cả nước là tăng 2,56%, không khéo duy nhất chỉ có Hà Tĩnh âm đến mức như vậy. Theo số liệu phân tích, mức độ cơ cấu giống Thiên Ưu 8 chiếm gần 40% tổng diện tích sản xuất vụ xuân trên toàn tỉnh. Có lẽ chưa có giống nào được cơ cấu lớn như giống này. Câu hỏi đặt ra là tại sao cơ cấu giống lớn như vậy? Câu hỏi này không được trả lời một cách nghiêm túc”.

Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh thắc mắc: “Tôi được biết, Cty cổ phần giống cây trồng trung ương trả lời, đến thời điểm này Cty mới chỉ cung cấp trên địa bàn 800 tấn, nếu 1 sào gieo 4kg tương đương 10 nghìn ha, nếu làm 3,5kg là 11 nghìn ha, nhưng ở đây chúng ta sản xuất gấp đôi. Điều này xảy ra 3 trường hợp, một là Cty cung cấp số liệu không đúng, hai là bà con để giống lại nhiều, ba là giống ở ngoài tràn vào và không kiểm soát được, như vậy có phải buông lỏng không, không ai trả lời được câu hỏi này”. Về việc quảng cáo trên bao bì của giống Thiên Ưu 8 “đặc biệt kháng đạo ôn” nhưng thực tế chỉ kháng bệnh ở mức trung bình được nhiều đại biểu đề cập, chủ toạ kỳ họp khẳng định: “Tôi đề nghị toàn hệ thống ngành nông nghiệp trả lời vấn đề này. Khi biết giống kháng trung bình và có trong hồ sơ giống nhưng lại nằm trong cơ cấu giống?”.

Thực tế cho thấy ngành nông nghiệp bị động, lúng túng, thậm chí là đùn đẩy, né tránh. Một số người có trách nhiệm khi trả lời với cơ quan báo chí cho rằng là do thời tiết. Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh xác nhận: “Tôi không bác bỏ yếu tố thời tiết, đặc biệt bệnh đạo ôn rất nhạy cảm với thời tiết. Nhưng nếu xâu chuỗi từ đầu đến cuối thì không đổ cho thời tiết được”. Xung quanh ý kiến khởi kiện đơn vị cung ứng giống Thiên Ưu 8, ông Sơn cho rằng cần phải chờ cơ quan nhà nước kết luận và mong bà con cử tri hết sức chia sẻ, phải thật bình tĩnh. Việc vi phạm về quảng cáo là nghiêm trọng nhưng phải làm đúng tuần tự theo quy định của pháp luật.

Trả lời chất vấn của đại biểu tại phiên họp HĐND, Giám đốc Sở NNPT&TN tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cho rằng nguyên nhân của con số tăng trưởng âm là bởi thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. So với cùng kỳ năm 2016, giá lạc giảm 15,7%, giá thịt lợn hơi giảm trên 48%, giá thịt bò hơi giảm 10,6%, giá ngô giảm 11,2%... “Năm 2017, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh chưa lượng hóa được hết những khó khăn. Tôi thừa nhận, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành quản lý với vai trò tham mưu chỉ đạo”- ông Việt nói.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn: “Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp âm 3,4%, trong khi cả nước là tăng 2,56%, không khéo duy nhất chỉ có Hà Tĩnh âm đến mức như vậy. Theo số liệu phân tích, mức độ cơ cấu giống Thiên Ưu 8 chiếm gần 40% tổng diện tích sản xuất vụ xuân trên toàn tỉnh. Có lẽ chưa có giống nào được cơ cấu lớn như giống này. Câu hỏi đặt ra là tại sao cơ cấu giống lớn như vậy? Câu hỏi này không được trả lời một cách nghiêm túc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ Xuân 2017 ở Hà Tĩnh mất mùa: Ngành nông nghiệp đùn đẩy trách nhiệm