King Lear (Vua Lear) là một trong những kịch bản giàu chất bi và có nhiều tầng ngữ nghĩa nhất của nhà viết kịch lừng danh người Anh W. Shakespear. Mới đây vở diễn đã được dựng lại trên sân khấu Lệ Ngọc và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả.
Cốt truyện của “Vua Lear” được W. Shakespear khai thác từ một câu chuyện cổ, lại được viết cách đây hơn 400 năm nên khi vở kịch được dựng ở sân khấu Lệ Ngọc, khán giả khá tỏ mò với những băn khoăn về tính thời đại, sự đồng điệu đối với người đương thời của vở diễn.
Khi tuổi cao, muốn an hưởng tuổi già, vua Lear đã quyết định chia đất nước cho các con. Khi nhà vua hỏi: “Các con yêu cha ra sao?” thì cả công chúa lớn và công chúa thứ hai đều dùng rất nhiều mỹ từ để thể hiện rằng họ rất yêu vua cha, không gì có thể tả được. Ngược lại, cô công chúa út chân thật khẳng định, yêu cha như mọi người con yêu cha, và tình yêu này cũng chỉ là một phần tình cảm vì sau này cô còn phải dành tình yêu cho chồng con mình. Vốn rất yêu thương và trông đợi vào con gái út, vua Lear nổi giận với những lời nói đó và truất quyền thừa kế đất đai, đuổi công chúa út khỏi vương quốc của mình và đem chia đất nước cho hai người con gái lớn. Vua quyết định sau khi từ bỏ quyền lực sẽ luân phiên ở với từng người con.
Nhưng sự đời không như dự tính. Hai nàng công chúa lớn khi đã nắm vững quyền lực, tài sản trong tay thì trở mặt bạc đãi cha. Vua Lear vô cùng uất hận. Ngay khi biết tin tức của cha, nàng công chúa út đã xin chồng đưa quân về cứu cha nhưng bất thành vì hai người chị của cô đã dùng vua Lear làm con tin, buộc cô phải đầu hàng và cô đã bị xử tử dưới bàn tay của hai người chị. Đau thương khiến vua Lear thực sự phát điên. Cái kết bi thương của vở bi kịch đầy ám ảnh. Bi kịch giữa những người thân trong gia đình luôn là bi kịch đau lòng, nhất là khi liên quan tới những mâu thuẫn về đất đai, phân chia tài sản thừa kế... qua đó, đưa tới người xem những bài học về quyền lực, về tình cha con, tình chị em...
Xây dựng vở kịch “Vua Lear” ở sân khấu hiện đại, để có thể tìm thấy sự đồng điệu và gỡ bỏ những áp lực bởi ý nghĩa nhiều tầng của kịch bản, đạo diễn NSND Lê Hùng đã quyết định lược gọn, tập trung vào chủ đề chính là chữ Hiếu song vẫn không bỏ qua những ý nghĩa khác của kịch bản.
NSND Lê Hùng chia sẻ, cha mẹ dù có mắc sai lầm do tuổi tác, do nhận thức thì phận làm con vẫn phải giữ đạo hiếu. Thông điệp này dễ dàng đi vào lòng khán giả bởi đây cũng là đạo lý làm người đầu tiên được người Việt trân trọng. Câu chuyện của vua Lear (NS Văn Hải đóng) và ngài Bá tước Gloucester (NSND Tuấn Hải đóng) giống nhau là đều tin vào những lời giả dối ngọt ngào mà họ muốn nghe từ những đứa con, để rồi ruồng bỏ những đứa con chân thành và kết cục đều phải nhận những cái kết bi thảm.
Lựa chọn một cách kể chuyện theo lối dung dị, các nhà biên kịch Việt Nam đã dựng lại kịch bản của nhà biên kịch vĩ đại người Anh theo cách Việt hóa không nhiều trang trí mỹ thuật, chỉ là những thước vải rủ xuống dù đơn giản nhưng lại kết nối được cả nét của cổ xưa và hiện đại. Lược bỏ những đoạn thoại quá dài, dùng những ngôn từ giản dị, đời thường… các nghệ sĩ, diễn viên của Sân khấu Lệ Ngọc đã tạo nên sức hút đối với khán giả. Dù có thời lượng hơn 2 giờ đồng hồ nhưng vở diễn đã hấp dẫn người xem từ đầu cho đến phút cuối, buộc khán giả bật khóc, bật cười theo tâm lý, cảm xúc của nhân vật. Các diễn viên được chiêu mộ từ nhiều nguồn để phù hợp nhất với hình tượng nhân vật, có những kỹ năng rất tốt như diễn viên đóng vai công chúa Cordenia (Hàm Hương) xinh đẹp và còn rất trẻ, có khả năng sử dụng múa ballet tạo nên sự huyền ảo cho không gian của vở kịch... Những diễn viên quen thuộc của sân khấu Lệ Ngọc như NSND Lệ Ngọc – Công chúa Goneril, Quang Tú – Bá tước Kent, Lâm Cương - Edmund, Huy Bách –Công tước Albany… và một số gương mặt lần đầu tham gia với tập thể như NSND Thu Quế vai công chúa Regan… đã hoàn thành khá tốt vai diễn.
Nghệ sĩ Văn Hải đóng vai chính - Vua Lear - cho biết, vai diễn này rất khó đã khiến anh mất rất nhiều thời gian, “lao tâm khổ tứ” khi phải khắc phục nhiều khó khăn trong xử lý ngôn từ cho phù hợp ở từng phân cảnh. Thành quả là sự ghi nhận của người yêu sân khấu khi nhiều người đánh giá, đây là một trong những vai diễn tốt nhất của anh kể từ khi trở lại với sân khấu. Bên cạnh đó còn phải kể đến những diễn viên “bám trụ” cùng sân khấu Lệ Ngọc đã để lại ấn tượng tốt với khán giả như Lâm Cương trong vai Edmund, đứa con rơi của Bá tước Gloucester. Hay diễn viên Quang Tú cũng đã tạo được dấu ấn qua nhân vật Bá tước Kent…
Vở diễn giàu tính nhân văn, thức tỉnh mỗi con người trong xã hội khi chứng kiến những bi kịch của gia đình vua Lear, nhận rõ những mâu thuẫn giữa cha và con, giữa chị và em, giữa những người thân trong gia đình, họ tộc, tất cả đều liên quan đến tài sản, tiền bạc, danh lợi... Dù là một cái kết đầy bi kịch nhưng vở diễn đã để lại trong lòng người xem những cảm xúc, ấn tượng khó quên.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của một số nghệ sĩ, họ vẫn mong muốn có thêm sự đầu tư về âm nhạc sao cho rung động hơn nữa ở từng tình huống kịch, hay phần sáng tạo về mỹ thuật cần có thêm xử lý ánh sáng, vài sự gợi ý cho người xem dễ dàng hơn trong liên tưởng về không gian kịch… Sự nhuần nhuyễn và xúc cảm rất cần thiết ở những đoạn thoại kinh điển cũng cần được trau chuốt, chuẩn xác hơn.
Vở diễn giàu tính nhân văn, thức tỉnh mỗi con người trong xã hội khi chứng kiến những bi kịch của gia đình vua Lear, nhận rõ những mâu thuẫn giữa cha và con, giữa chị và em, giữa những người thân trong gia đình, họ tộc, tất cả đều liên quan đến tài sản, tiền bạc, danh lợi... Dù là một cái kết đầy bi kịch nhưng vở diễn đã để lại trong lòng người xem những cảm xúc, ấn tượng khó quên.