Đánh giá về cấp độ dịch mới được UBND TP Hồ Chí Minh công bố, toàn thành phố không có quận, huyện nào thuộc “vùng cam” hay “vùng đỏ”, thành phố duy trì cấp độ dịch 2. Đây là tin vui với thành phố lớn nhất cả nước, đông dân nhất cả nước và cũng là địa phương trải qua nhiều cam go khốc liệt nhất của đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4, với số ca nhiễm mới trong nhiều tháng luôn chiếm hơn 50% số ca nhiễm cả nước; đồng thời số ca tử vong do Covid-19 cũng nhiều nhất cả nước.
Kể từ tháng 10, thực hiện chủ trương thích ứng an toàn với Covid-19, TP HCM đã nhanh chóng mở cửa, khôi phục sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh vẫn còn nhiều ca F0 trong cộng đồng. Tuy nhiên, nhờ hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch, tới nay về cơ bản dịch bệnh trên phạm vi toàn thành phố đã được kiểm soát, số ca phát hiện mới cũng như số ca tử vong liên tiếp nhiều ngày qua cùng giảm.
Nhìn lại cuộc chiến khốc liệt chống Covid-19 của TP HCM, càng thấy sự gian nan nhưng cũng rất bền lòng quyết chí. Đầu dịch, chỉ tính từ ngày 26/4 đến hết ngày 4/7/2021, TP HCM đã có 6.470 ca bệnh được ghi nhận tại 306/312 phường xã thị trấn; trong đó 12% phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện, 23% phát hiện tại cộng đồng. Hàng loạt quận huyện báo động đỏ. Truy vết, xét nghiệm, phong tỏa, cách ly được áp dụng trên toàn thành phố. Đi đâu cũng thấy rào chắn, dây chăng và tiếng hú xe cứu thương, khiến người dân thành phố giật mình, lo lắng.
Nếu tháng 5/2021, số ca mắc mới ở TP HCM chỉ ở cấp độ 1 thì tháng 6 đã lên cấp độ 2, tháng 7 lên cấp độ 3 và tháng 8 lên cấp độ 4. Những ca mắc mới trong đợt 4 đều do biến chủng Delta gây ra. Đỉnh điểm của dịch ở mức độ khủng khiếp là từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9/2021, thành phố sống trong tình trạng căng thẳng tột độ. Nếu như đầu tháng 4, thành phố thành lập Trung tâm điều phối xét nghiệm, thì 2 tháng sau phải bổ sung cho lực lượng này tới 6.000 người. Số phòng xét nghiệm RT-PCR từ 22 phòng lên 59 phòng. Đặc biệt, từ 23/8 đến 28/9, TP HCM triển khai 7 đợt xét nghiệm tầm soát cho người dân vùng nguy cơ cao, tổng có cộng hơn 15,1 triệu test nhanh ở vùng cam, đỏ và 265.000 RT-PCR cho vùng xanh, vàng.
Trước ngày 27/5, TP HCM có 5 bệnh viện điều trị F0 với 970 giường và 42 giường hồi sức. Từ sau 27/4, khi dịch bệnh tăng, thành phố mở rộng đến 95 bệnh viện điều trị Covid-19. Thời điểm cao nhất có tới 104.000 giường cả 3 tầng điều trị; trong đó có 4.600 giường hồi sức; 8.128 bác sĩ, 15.914 điều dưỡng và 1.500 kỹ thuật viên, hộ lý tham gia chăm sóc F0. Từ 2.000 giường có ô xy, TP HCM tập trung đầu tư, trang bị 13.000 giường có ô xy, bổ sung hàng loạt vật tư, trang thiết bị y tế.
Đã có hơn 80.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch, trong đó gần 55.000 là nhân viên các bệnh viện, đơn vị trực thuộc sở, khối y tế tư nhân, bệnh viện bộ ngành. 25.000 cán bộ y tế từ khắp nơi trên cả nước đến chi viện. Đây là sự huy động lớn nhất chưa từng có đối với đội ngũ ngành y tế...
Chính vì thế, việc tới nay TP HCM không còn “vùng cam, “vùng đỏ” được nhiều người coi là điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu không đến từ “phép màu” mà có được từ vô vàn nỗ lực, đồng cam cộng khổ và chính con người đã làm nên “phép màu” đó. Nhiều ngày thành phố đã rời mốc những địa phương có nhiều ca nhiễm mới phát hiện.
Vui mừng trước thành công của TP HCM, tuy nhiên vẫn còn đó nỗi lo rất lớn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, trong đó thật đáng lo ngại khi Thủ đô Hà Nội trong 10 ngày qua, số ca nhiễm mới tăng nhanh. Trong ngày 26/12, số ca nhiễm mới được phát hiện đã gần tới con số 2.000. Từ chỗ “cuối bảng” được coi là thành phố an toàn, thì nay Hà Nội đã lên “đầu bảng” trong tổng số 63 tỉnh thành cả nước có ca nhiễm mới.
Bài học cả thành công lẫn thất bại trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP HCM rất cần được Hà Nội rút kinh nghiệm, để sớm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm thật nhanh số ca mắc mới và đặc biệt là hạn chế mức tối đa số người tử vong. Mừng với TP HCM nhưng cũng lại lo cho Hà Nội. Lo lắng ấy không thừa vì nếu không sớm có những cách làm đúng đắn nhất thì dịch bệnh sẽ còn tác oai tác quái, người dân vẫn còn lo lắng, khó khăn.