Vực dậy ngành muối

Nguyên Du 19/09/2023 18:41

Phải hỗ trợ để ngành muối phát triển, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu để người dân có thể làm giàu từ muối. Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam tại Hội nghị định hướng và phát triển nghề muối tại Bạc Liêu, chiều ngày 19/9.

Những cánh đồng muối hẹp dần

Nghề muối tỉnh Bạc Liêu là nghề truyền thống được hình thành và phát triển hơn 100 năm; Bạc Liêu cũng là địa phương có diện tích và sản lượng muối cao trong cả nước; vùng sản xuất muối của tỉnh tập chung ở các địa phương ven biển từ thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải.

Cánh đồng muối ở Bạc Liêu.

Tuy nhiên, nghề muối luôn đứng trước những thách thức như: Phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết, kết cấu hạ tầng đồng muối hạn chế, giá muối thấp và diễn biến bấp bênh, được mùa thì mất giá,…nên đời sống của đại bộ phận diêm dân luôn gặp khó khăn. Đó cũng là lý do khiến diện tích muối của tỉnh dần thu hẹp. Hiện nay, toàn tỉnh có 767 hộ sản xuất muối với 1.520 lao động.

Cánh đồng muối trải bạt ở Bạc Liêu nhìn từ trên cao.

Trong giai đoạn 2016 - 2023, diện tích sản xuất muối giảm 220 ha chuyển sang lĩnh vực thủy sản (sang nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở những nơi có hệ thống thủy lợi tốt và hộ có điều kiện kinh tế khá). Phần diện tích sản xuất muối còn lại đang ổn định chủ yếu ở xã Điền Hải, Long Điền Đông (huyện Đông Hải), xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình).

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho hay, với điều kiện tự nhiên đặc thù nên muối Bạc Liêu rất nổi tiếng về chất lượng, muối có độ mặn nhưng không đắng chát. Sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý năm 2013. Cuối năm 2020, nghề muối tỉnh Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, và nhiều sản phẩm từ muối được công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại buổi làm việc với đoàn cán bộ Bộ NN&PTNT về định hướng và giải pháp phát triển ngành Muối

“Tuy sản xuất muối đóng góp vào tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh không nhiều, nhưng đây là nghề truyền thống lâu đời, có gia đình đã qua 2 -3 thế hệ là diêm dân. Do nghề muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên thường xuyên gặp khó khăn, được mùa thì mất giá, khi giá muối lên thì không có muối bán”, ôngThiều chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Thiều cũng nhìn nhận, kết cấu hạ tầng như thủy lợi, giao thông nội đồng vùng sản xuất muối của địa phương còn yếu kém. Các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết và bao tiêu sản phẩm có phát triển nhưng với diện tích, sản lượng chưa nhiều, ứng dụng khoa học công nghệ (trải bạt nhựa trên nền sân kết tinh) được khuyến khích phát triển nhưng diện tích thực hiện còn ít.

"Do điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp nên việc đầu tư phát triển hạ tầng vùng sản xuất muối tập trung chưa đáp ứng theo yêu cầu. Từ những thực trạng nghề sản xuất muối của tỉnh Bạc Liêu nêu trên, địa phương rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ trung ương, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tháo gỡ nút thắt về kết cấu hạ tầng, các mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là thị trường tiêu thụ”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị.

Đa dạng hoá các sản phẩm muối

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay Bộ đang rà soát diện tích cả nước để đảm sản lượng muối đến năm 2030 khoảng 2 triệu tấn, kể cả muối công nghiệp và muối thực phẩm. Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch diện tích sản xuất muối cả nước khoảng 14.000ha, tuy nhiên chỉ sau 3 năm diện tích muối chỉ còn khoảng 8.000 ha, càng ngày càng thu hẹp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, vấn đề đặt ra là việc đầu tư cho ngành muối thời gian qua có hiệu quả không? Bộ NN&PTNT xác định, đối với các tỉnh trọng điểm vẫn phải tiếp tục đầu tư phát triển diện tích muối. Sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, “Nghề làm Muối ở Bạc Liêu” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho thấy, muối Bạc Liêu đã khẳng định được thương hiệu, có một vị trí nhất định trên thị trường trong và ngoài nước. Đây là một thế mạnh cần được phát huy.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, quan trọng là làm sao để hạt muối có giá trị gia tăng. Cần phải quy hoạch lại ngành muối, cùng với diện tích muối hiện có, vấn đề đặt ra cho tỉnh là phải củng cố kiện toàn các HTX và phải đa dạng hoá các sản phẩm muối để nâng cao giá trị ngành muối gắn với phát triển du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vực dậy ngành muối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO