Trong cuộc sống hối hả, người trẻ ưa chuộng và mải mê cái mới mẻ, hiện đại, cập nhật những xu hướng văn hóa, giải trí của thế giới mà dần xa rời nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Chèo, tuồng, cải lương dường như là một “vùng cấm” với đại đa số công chúng. Tuy nhiên, trước dấu hiệu mai một, sân khấu truyền thống đang được từng bước vực dậy bằng nhiều nỗ lực, trước hết là từ chính người trong cuộc.
Cảnh trong vở “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”.
1. Thời hoàng kim của kịch hát dân tộc từ đầu thế kỉ 20 kéo dài đến những năm 70, 80 được những người già, nay đã vào tuổi cổ lai hi, xưa nay hiếm kể lại bằng nguyên vẹn niềm háo hức với ánh mắt lấp lánh. Đó là những đêm sân khấu sáng đèn, âm thanh náo nhiệt, nhạc dồn dập giục giã người xem mau mau mua vé, chen chân. Sau đó, cùng với cơ chế thị trường, người người mải mốt cắm đầu làm ăn, băng đĩa lên ngôi, phim hài nhảm, võ hiệp nhập vào tràn lan, sân khấu truyền thống nói chung và kịch hát dân tộc dần dần mất đi vị thế của mình. Đã có những lúc loại hình nghệ thuật mang đậm hồn cốt dân tộc này đứng trước nguy cơ sống lay lắt, thậm chí xóa sổ. Người xem ít, đương nhiên đời sống nghệ sĩ khó khăn, đương nhiên càng không có đội ngũ diễn viên kế cận, rồi những vở cũ, tích cũ mất dần, chẳng ai còn nhớ nữa, chả nhẽ tất cả sẽ chìm vào quên lãng?
Đứng trước thực trạng khó khăn như vậy, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Có cái hiệu quả, có cái không cho đến khi tất cả cùng quyết liệt. Trước hết ở mặt “đầu vào”, làm sao để có được lớp diễn viên trẻ, thổi làn gió mới vào sân khấu nghệ thuật truyền thống?
Trò chuyện với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội rất trăn trở vấn đề trong khoảng 10 năm trở lại đây số thí sinh dự thi vào ngành kịch hát dân tộc giảm. “Trước hết nhìn từ góc độ đào tạo chúng tôi tham khảo ý kiến của rất nhiều bậc phụ huynh. Khi họ quyết định cho con em mình thi vào ngành nào bao giờ họ cũng tính đầu ra như thế nào. Họ nhìn đến các nhà hát Tuồng, Chèo, Cải lương, họ bảo đời sống như thế thì sợ lắm, không dám cho con thi”- ông Thi nói, và kể tiếp: “Khi chúng tôi đi xuống các tỉnh tuyển sinh, các thầy các cô nhìn thấy em này giọng hát tốt thế, hình thể đẹp thế nhưng bố mẹ dứt khoát không cho đi học. Có những trường hợp chúng tôi thấy rằng nếu các em không đi học thì phí. Chúng tôi đến tận nhà động viên các bậc phụ huynh nói rằng phải làm cái gì có tiền chứ làm thế này thì chịu. Nó có cái khó như thế, nhưng chúng tôi vẫn phải làm. Để làm sao mình có thêm nguồn tuyển với chất lượng cao”.
Cảnh trong vở cải lương “Hừng đông”.
2. Tuy nhiên, càng khó thì càng phải quyết liệt. Lãnh đạo Trường ĐH Sân khấu và điện ảnh Hà Nội hiểu rằng phải bắt tay vào làm chứ đừng chỉ kêu ầm lên là khó! Kì thi tuyển sinh năm 2015, ĐH Sân khấu và điện ảnh Hà Nội đã phối hợp với 3 nhà hát Tuồng, Chèo, Cải lương xây dựng đề án được Bộ VH-TT&DL phê duyệt Trường Sân khấu Điện ảnh là đơn vị đứng ra đào tạo cho 3 nhà hát ấy lớp diễn viên, nhạc công của tuồng, chèo, cải lương, bắt đầu từ trung cấp. Với đề án này, sự ưu ái dành cho người học là rất lớn. Ngoài việc miễn 75% học phí theo nghị định của Chính phủ, các em được bố trí chỗ ở, có tiền phụ cấp, tiền quần áo tập. Sau khi tốt nghiệp các em được ở lại nhà hát để làm việc luôn. Như thế khi các em vào học, các em chỉ hoàn toàn tập trung vào học để làm sao cho tốt. Đấy là giải pháp mà Bộ VH-TT&DL rất quan tâm. Các nhà hát cũng bớt đi sự trăn trở, đau đáu về nguồn nhân lực của mình. Trường với tư cách là cơ sở đào tạo cũng hết mình phối hợp với các nhà hát để đi xuống từng địa phương 10 tỉnh để tuyển.
Sự nỗ lực ấy đem lại kết quả rất khả quan. Khoảng 5 năm trở lại đây, nếu thông báo tuyển sinh diễn viên tuồng là không có một hồ sơ nào đăng kí nhưng năm 2015 tuyển được một lớp 30 diễn viên tuồng rất tốt. Chèo cũng thế. Dù vậy, ông Thi cũng tâm sự còn chờ vào việc… cơm áo có đùa với khách thơ hay không. “Sau này khi các em ra trường chúng tôi rất kì vọng các em tồn tại ở các nhà hát. Còn thực tế ra sao thì còn tùy thuộc vào cái tâm của các em với nghề. Nhìn từ góc độ đào tạo thì chúng tôi đã rất cố gắng”, ông Thi cho biết.
Trong khi đó, với phương châm “kế thừa và phát triển có chọn lọc”, trong thời gian qua, Ban lãnh đạo nhà hát Tuồng cũng đã cho xây dựng một dàn kịch mục khá đa dạng và phong phú với nhiều đề tài như: Tuồng truyền thống, Tuồng lịch sử, Tuồng dã sử, Tuồng dân gian... Những vở Tuồng cổ được coi là mẫu mực, có giá trị như: Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Ngọn lửa Hồng Sơn, Người con gái Kinh Bắc, An Tư công chúa... đến các vở Tuồng hài như: Nghêu Sò Ốc Hến, Trương Đồ Nhục, và các trích đoạn Tuồng đặc sắc như: Hồ Nguyệt cô hóa cáo, Ông già cõng vợ đi xem hội, Lân mẹ đẻ lân con... ra đời cách đây hàng chục năm, diễn hàng nghìn đêm, giờ diễn lại cho nhiều tấng lớp khán giả vẫn tạo được sức hấp dẫn.
Các chương trình giới thiệu Tuồng đến các trường học được Nhà hát bền bỉ thực hiện và đã trở thành hoạt động thường niên trong kế hoạch công tác của Nhà hát.
Còn Nhà hát Kim Mã - nơi luôn thắp lửa nghệ thuật chèo đã từ lâu trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc đối với những người yêu mến chèo. Từ năm 2013, với sự chỉ đạo của Giám đốc Thanh Ngoan, Phó Giám đốc - đạo diễn Nguyễn Ngọc Kình, cùng nhiều tâm huyết và nỗ lực, Nhà hát Chèo Việt Nam đã khôi phục và dàn dựng thành công 5 chương trình biểu diễn tại sân khấu nhỏ. Các chương trình biểu diễn tại đây đều mang đến cho người xem cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp của chèo cổ và sống trong không gian văn hóa đặc trưng của chèo, bao gồm các trích đoạn chèo và hát múa dân gian như: Giáo đầu dẹp đám, Thị Mầu lên chùa, Hát lót cửa đình, Hát ống, Súy Vân giả dại, Phù thủy, Ba giá đồng... được biểu diễn vào 20h tối thứ 6 hàng tuần.
Đây là những hoạt động đáng mừng cho thấy sự quyết liệt đẩy lùi khó khăn, mở ra nhiều cánh cửa đón người yêu nghệ thuật truyền thống.