Thị trường nội địa với 100 triệu dân có tiềm năng rất lớn song lại chưa được khai thác triệt để. Vậy làm sao để đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa được coi là bền vững trong thời điểm bối cảnh dịch Covid-19 đang làm xuất khẩu chững lại? PV báo Đại Đoàn kết đã trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế.
PV:Thưa ông, lâu nay thị trường nội địa luôn là mảnh đất màu mỡ song lại chưa được khai thác triệt để. Dịch Covid-19 xảy ra càng cho thấy giá trị của thị trường nội địa. Vậy, đã đến lúc chúng ta cần quan tâm hơn đến thị trường nội địa?
Ông Vũ Vinh Phú: Thị trường nội địa luôn là một tiềm năng rất lớn. Mới đây, tại Nghị quyết 84, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ ngành về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong đó, Chính phủ đã có định hướng những nội dung liên quan để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường nội địa như: Thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục sự gián đoạn nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh, bảo vệ DN và sản phẩm Việt Nam, tăng cường kết nối giữa các khâu trong hệ thống phân phối, giảm bớt những khâu trung gian không cần thiết, đảm bảo cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu để bình ổn giá tiêu dùng trong nước.
Tôi cho rằng, sự chỉ đạo của Chính phủ là rất kịp thời và rất đúng hướng nhằm vực dậy sự phát triển của thị trường nội địa sau dịch Covid-19. Trong nhiều năm nay, thị trường nội địa Việt Nam đã phát triển đáng khích lệ, hệ thống phân phối gắn kết với nguồn cung sản xuất trong nước chặt chẽ hơn, hàng hóa đa dạng phong phú, được nâng cao một bước về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với hàng Việt. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những nút thắt, đang cản trở sự phát triển của thị trường trong nước.
Đơn cử như sản xuất nội địa chưa gắn kết với hệ thống phân phối một cách chặt chẽ. Hiện nay sức sản xuất các mặt hàng Việt ở trong nước, nhất là hàng nông sản thực phẩm rất lớn có đủ sức để phục vụ tiêu dùng nhưng hệ thống phân phối bao gồm 9.000 chợ dân sinh và chợ đầu mối, 800 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 4.000 cửa hàng tự chọn, siêu thị mini tuy số lượng màng lưới tiêu thụ phát triển trong nhiều năm nay là khá lớn; nhưng vẫn chưa là “trợ thủ” đắc lực để đảm bảo đầu ra cho nguồn cung hàng hóa đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn nhiều năm trước.
Chúng ta chăm chút cho khâu sản xuất, nhưng khâu trung gian và bán lẻ lại hưởng lợi nhuận quá nhiều nên cần phải phân phối lại lợi nhuận trong chuỗi sản xuất và phân phối.
Một yếu tố khiến hàng Việt khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác là giá thành cao. Vậy làm sao để giảm được giá thành nhằm tạo sức cạnh tranh, thưa ông?
- Giá thành cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có hạ tầng của hệ thống phân phối và các chi phí khác của thương mại bán lẻ ở thị trường. Câu chuyện một cân hàng chuyển từ Ecuador về Việt Nam có chi phí vận chuyển và logistic thấp hơn chi phí từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Một con lợn trong quá trình chăn nuôi giết mổ và tiêu thụ phải chịu 51 loại phí, một quả trứng chịu 13 loại phí là minh chứng rõ nhất cho vấn đề hạ tầng và chi phí sản xuất kinh doanh ở nước ta còn nhiều tồn tại chưa được giải quyết.
Ngoài ra hạ tầng thấp kém còn làm cho hàng hóa tăng chi phí, tăng tỷ lệ hao hụt mất mát ở chỗ những sản phẩm nuôi trồng và đánh bắt khi làm ra không có kho dự trữ chiến lược. Từ đó, hàng bị giảm chất lượng và bị một số đối tượng thương lái ép giá. Tình trạng này làm giảm chí tiến thủ của những người sản xuất chân chính. Chính vì vậy dẫn tới hệ quả là 1 kg cá từ chỗ thu hoạch tới chỗ tiêu dùng có lúc tăng từ 2-3 lần.
Những rào cản trên làm cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam bị đẩy giá lên cao, không cạnh tranh được với hàng hóa hội nhập ở thời kỳ mở cửa ngay tại thị trường nội địa làm cho những người làm ra những sản phẩm sạch đạt chất lượng bị thua thiệt, mục tiêu sản xuất sạch để sản xuất đại đa số nhân dân theo chủ trương của Nhà nước sẽ bị hạn chế.
Nhiều ý kiến cho rằng cạnh tranh không bình đẳng cản trở sự phát triển của thị trường nội địa. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Đang có một sự cạnh tranh không công bằng ở thị trường nội địa. Việc kinh doanh bán lẻ trốn thuế, lách thuế, chuyển giá không phải là cá biệt. Những vụ truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền chuyển giá, trốn thuế sau kiểm tra của một số tổ chức cá nhân trong và ngoài nước trong nhiều năm qua đã cho ta thấy rõ điều đó. Tình trạng bán hàng vi phạm pháp luật kinh doanh, doanh thu lợi nhuận nộp ngân sách không được công khai để mọi người giám sát.
Nó đem lại những hậu quả không thể lường hết được cho sản xuất và đời sống tiêu dùng xã hội, cũng như sự cạnh tranh công bằng, minh bạch ở thị trường Việt Nam, làm ảnh hưởng tới những doanh nghiệp mong muốn làm ăn nghiêm túc đi lên bằng đôi chân của mình chứ không phải kinh doanh sản xuất gian lận, thu lợi nhuận qua trốn thuế và làm ăn phi pháp.
Vậy theo ông chúng ta cần có giải pháp nào giải quyết những rào cản để hướng về thị trường nội địa gần 100 triệu dân?
- Những nút thắt được cho là rào cản đang tồn tại đã được nhận diện. Đầu tiên sản xuất phải theo quy hoạch, sớm hình thành các chuỗi sản xuất và phân phối hoạt động hiệu quả, phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các khâu trong chuỗi. Từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Xây dựng văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh và nền kinh tế chia sẻ.
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì bản thân các DN phải chủ động đầu tư đổi mới công nghệ quản lý kinh doanh, xây dựng thương hiệu bán lẻ và hàng hóa, đẩy mạnh tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tạo dựng niềm tin vững bền đối với người tiêu dùng, bởi mất niềm tin là mất tất cả. Các DN cần liên kết lại để làm ăn, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với các DN nước ngoài, tự giác hợp tác liên kết để sớm hình thành một số tập đoàn sản xuất và bán lẻ mạnh, đủ sức dẫn dắt thị trường nội địa hiện nay và trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn ông!