Sau 2 tuần diễn ra, Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 đã khép lại. Với 1 giải xuất sắc, 6 giải vàng, 6 giải bạc và 4 giải đồng trao cho các vở diễn, liên hoan là ngày hội của sân khấu chèo nhưng cũng để lại nhiều suy ngẫm.
Tiếp sức cho nghệ sĩ thăng hoa
Diễn ra từ ngày 12 đến 28/10 tại TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 có sự tham gia của 16 đơn vị nghệ thuật với 27 vở diễn. Thông qua 14 ngày đêm thi tài, không thể phủ nhận các vở diễn đã cho thấy dù cơ chế thị trường có khắc nghiệt đến mấy thì những sáng tạo trên sân khấu chèo vẫn là những công trình mỹ học, đạo đức, được đầu tư nghiêm túc, công phu và đậm chất chèo truyền thống với tính cách tân mới mẻ, đa dạng, phong phú, hấp dẫn.
Theo Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan, nội dung các vở diễn đã vang lên những bài ca về tình đời, tình người, tình nghề nghiệp sâu sắc. Tại Liên hoan, khán giả đã được thưởng thức bản lĩnh sáng tạo của các tác giả như Tạ Minh Tuấn, Lê Thế Song, Hoàng Luyện, Doãn Hoàng Giang, Trần Đình Ngôn… Thông qua 27 tác phẩm đã minh chứng các tác giả đã đắm mình vào trong đời sống, đã suy tư, trăn trở về cuộc sống và sáng tạo ra những hình tượng đậm tính hiện thực, hữu ích.
Không những vậy, 27 tác phẩm của các tác giả còn thăng hoa qua bàn tay “phù thủy” của các đạo diễn như Hoàng Quỳnh Mai, Tuấn Cường, Trịnh Thúy Mùi, Vũ Tự Long, Nguyễn Thị Bích Ngoan… Cùng với đó, khán giả đã gặp những diễn viên là “ông hoàng, bà chúa” của nghệ thuật sân khấu. Với khán giả đến thưởng thức các tiết mục tại Liên hoan, họ sẽ không quên những lời ca, tiếng hát, diễn xuất của các nghệ sĩ như Ngô Thị Hồ, Thúy Hà, Bùi Văn Dũng, Nguyễn Ngọc Cao… Đây là những nghệ sĩ vừa có năng khiếu bẩm sinh vừa được đào tạo bài bản chuyên nghiệp nên đã thể hiện đúng tình - cảnh - sự của nhân vật từ đó tạo sức lôi cuốn. Vì thế, mặc dù là một liên hoan nghệ thuật truyền thống, nhưng sự kiện đã thu hút được rất đông khán giả. Trong đó có những khán giả trẻ ở tuổi phổ thông trung học. Được biết, đây cũng là chủ trương đào tạo theo hình thức “Sân khấu học đường” của tỉnh Hà Nam. Thông qua đó mô hình đã phần nào “tiếp sức” cho các nghệ sĩ chèo được thăng hoa trong hình tượng và khán giả được hòa vào tác phẩm theo cảm xúc vui, buồn, giận, hờn, ghét, yêu, thương của sân khấu, trong những tiếng vỗ tay và cả những giọt nước mắt cảm thông theo số phận nhân vật.
Vẫn thiếu “tích hay, trò lạ”
Tuy nhiên, với sân khấu truyền thống như nghệ thuật chèo thì mỗi Liên hoan hay Hội diễn vẫn còn đó trăn trở của chính những người trong nghề. PGS.TS Trần Trí Trắc - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan bày tỏ, về đội ngũ tác giả tuy đã xuất hiện một số gương mặt mới nhưng đội ngũ biên kịch chèo chưa đông, chưa mạnh, chưa bền vững và bản lĩnh, vốn sống chưa ngang tầm với đòi hỏi của nghề. Tại Liên hoan chưa có nhiều tác phẩm có “tích hay, trò lạ”, có hình thức mới mẻ, đột phá mà phần lớn vẫn là tích cũ, trò cũ, diễn cũ, trang trí, phục trang cũ.
Cũng theo ông Trắc, không ít vở diễn kết cấu lỏng lẻo, thiếu logic, lớp dài, lớp ngắn. Có vở, mở màn thắt nút ở tuyến này, kết thúc mở nút lại chạy sang tuyến khác. Nhiều khán giả xem tới 2 màn mà không biết tên nhân vật là gì. Có tác phẩm tên vở, nội dung không khớp nhau, nhiều lời đối thoại thiếu tính văn học. Hơn nữa, không ít vở chủ đề thiếu đi tính triết lý nhân sinh, thiếu mới mẻ và không phù hợp với đương thời. Đối với đạo diễn, tuy có nghề, có kinh nghiệm nhưng không ít trong số họ bị lặp lại chính mình, làm cũ chính mình trong trang trí, trong ca, trong múa… với gia điệu vô can, ồn ã.
Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 vẫn còn đó những điều trăn trở, thậm chí vẫn là “căn bệnh” cố hữu của sân khấu truyền thống hiện nay. 27 vở diễn nhưng chỉ có một vở đề tài hiện đại. Theo soạn giả Mai Văn Lạng, nguyên nhân của hiện tượng này là do những kịch bản về đề tài đương đại ngay từ ban đầu đã không đúng là một kịch bản chèo, mà là kịch bản kịch nói được chuyển thể. “Có tích mới dịch nên trò”, “có bột mới gột nên hồ”, chính vì yếu tố tiên quyết là kịch bản đã có những điều bất ổn nên dù vở diễn ấy có được đầu tư công phu, tốn kém cũng rất khó đi vào lòng người. Bởi vì nghệ thuật chèo có những sắc thái riêng, cần có sự chỉn chu, lớp lang nhuần nhuyễn chứ không thể là món “ăn độn” được. Việc làm thế nào để có được một kịch bản sân khấu chèo đúng nghĩa về đề tài đương đại đang là nút thắt cần gỡ bỏ nhất hiện nay.
Qua Liên hoan Chèo toàn quốc 2022, một lần nữa cho thấy với xu thế phát triển, hiện đại, khán giả đang đòi hỏi các nghệ sĩ sân khấu truyền thống, trong đó có chèo phải tự đổi mới mình. Cùng đó, sáng tác kịch bản, đạo diễn cũng phải bắt nhịp cuộc sống, phù hợp với cơ chế tự chủ của sân khấu.
Ban tổ chức Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 đã trao giải đặc biệt cho vở “Đất liền và Biển cả” - Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa. 6 Huy chương vàng được trao cho các vở “Linh từ Quốc mẫu” - Nhà hát Chèo Hà Nội; “Vang bóng một thời” - Đoàn Chèo Hải Phòng; “Khóc giữa trời xanh” - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam; “Nguyễn Đình Nghị” - Nhà hát Chèo Hưng Yên; “Mật chỉ giữa hoàng cung” - Nhà hát Chèo Quân đội; “Thiên duyên huyền tích” - Nhà hát Chèo Thái Bình. Cùng đó là 6 giải Đồng và 4 giải Khuyến khích cho các vở diễn và các giải thưởng cho các thành phần sáng tạo.